Những sáng kiến đạt giải Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM

(VOH) - Sau 20 năm, Giải thưởng “Đại đoàn kết” vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác tôn vinh giá trị đoàn kết thi đua lao động.

Nhằm khuyến khích, động viên, khơi dậy sự suy nghĩ sáng tạo của Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại các đơn vị, thành viên của Ủy Ban ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, luôn tìm kiếm những giải pháp, cách làm mới tạo sự gắn kết của nhân dân Thành phố với nhau và lan tỏa đến các tỉnh thành trong cả nước.

Qua giới thiệu từ các tổ chức thành viên, quận huyện đề cử. Hội đồng xét tặng lần 1, gồm 05 tập thể, 03 cá nhân có sáng kiến nổi bật được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố trao giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM lần thứ nhất nhằm tôn vinh giá trị đoàn kết thi đua lao động sáng tạo. Trong đó có giải thưởng “Đại đoàn kết” đầu tiên tại Quận 5, đã thật sự trở thành động lực cho phong trào thi đua nâng cao chất lượng hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ông Đỗ Trường Linh là người đầu tiên phát động Giải thưởng “Đại đoàn kết” với kinh phí vận động từ các Hội quán, các Tôn giáo trong Quận 5 đóng góp tự nguyện và nhận tài trợ lâu dài.

Sau 20 năm, Giải thưởng “Đại đoàn kết” vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì. Đến nay đã xét tặng thưởng 45 lượt Ban chỉ đạo phường; 216 lượt Ban vận động khu phố và 138 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật. Với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

O^ng Đỗ Trường Linh – Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 5. 

Ông Đỗ Trường Linh – Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 5. 

Nói về ý nghĩa của giải thưởng này, ông Đỗ Trường Linh – nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 5 cho biết: “Trước đó nhiều khu dân cư còn tệ nạn nhưng từ khi có giải thưởng thì có những khu dân cư yếu người ta phải vươn lên. Có khi chúng tôi cũng khen đột xuất những phường, khu dân cư nhiều tệ nạn mà có cố gắng xóa đi và làm tốt thì cũng thưởng nóng cho khu dân cư này.”

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố nhận xét: “Với mô hình mà ông đã phát động trong cuộc vận động tại Quận 5 đã phát huy được sức mạnh của các đồng bào các dân tộc, các chức sắc tôn giáo để cùng nhau trong xây dựng tình làng nghĩa xóm cũng như phát động được cộng đồng người dân ở khu dân cư giúp nhau giảm hộ nghèo tăng hộ khá. Tuyên truyền các chủ trương chính sách, nhất là đồng bào người Hoa cùng hiểu, chia sẻ và phát huy sức mạnh của cộng đồng tại khu dân cư.”

Tại quận Tân Bình, mô hình liên hoan văn nghệ các tôn giáo và đồng bào dân tộc đã động viên các tôn giáo, dân tộc tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và địa phương, phát động. Duy trì từ năm 2012 đến nay, có 26 đơn vị với 54 tiết mục và 450 diễn viên tham gia, trong đó đa số diễn viên là người dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo biểu diễn. Với mục đích hội tụ đông đảo chức sắc các tôn giáo, người có uy tín các dân tộc trên địa bàn quận có điều kiện giao lưu, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt.

Ông Huỳnh Văn Bé – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình

Ông Huỳnh Văn Bé – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình

Nói về mô hình này, ông Huỳnh Văn Bé – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình cho biết ban đầu thì cũng vướng về kinh phí tổ chức. Thứ hai là giai đoạn đầu một số cơ sở tôn giáo, nhất là Phật giáo chưa cảm nhận được. Trên địa bàn có các tôn giáo đan xen. Khi tổ chức như vậy muốn có sự giao kết, giao hòa với các tôn giáo trên địa bàn của quận. Để qua đó tổ chức tuyên truyền, trao đổi để họ nêu chính kiến của mình, qua đó chính quyền địa phương tháo gỡ. 

Đánh giá về hiệu quả và sức lan tỏa của mô hình này, bà Tô Thị Bích Châu nói: “Ấn tượng là mô hình Liên hoan ca múa nhạc các dân tộc của Ủy ban MTTQ Tân Bình, với mô hình này Tân Bình đã khơi gợi sức mạnh gắn kết những đồng bào dân tộc với nhau, chọn ra những ngày Lễ ngày hội để họ có thể giao lưu văn hóa và gắn kết với nhau qua những hoạt động ý nghĩa và nhân văn”.

Một mô hình khác, đó là giải thưởng Tôn Đức Thắng của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trải qua 19 năm, có hơn 1.500 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trong đó Hội đồng của thành phố đã tuyển chọn được hơn 201 cá nhân để trao giải thưởng Tôn Đức Thắng, làm lợi cho các doanh nghiệp trên 244 tỷ đồng. Các cá nhân đạt giải thưởng này còn đóng góp vào việc đào tạo cho hơn 2.500 công nhân của Thành phố trở thành người thợ giỏi và đạt giải thưởng từ các hội thi của các doanh nghiệp cũng như của Liên đoàn Lao động Thành phố tổ chức. Giải thưởng có uy tín cao đối với các doanh nghiệp, được các chủ doanh nghiệp đồng thuận và tạo điều kiện để các cá nhân đạt giải thưởng phát huy những sáng kiến và ứng dụng sáng kiến của mình ở tại các doanh nghiệp. Đồng thời bố trí những cá nhân đạt giải vào những vị trí cao hơn.

Ông Phạm Chí Tâm – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là giải thưởng nhằm tuyên dương, tôn vinh các nhân là kỹ sư, công nhân trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp có những cải tiến, sáng kiến, kỹ thuật làm lợi cho các doanh nghiệp, đóng góp và truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng của mình cho các đồng nghiệp góp phần đào tạo đội ngũ công nhân của Thành phố trong tương lai.”

Đối với giải thưởng này được Hội đồng xét chọn đánh giá cao và chọn để trao giải. Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố khẳng định: “Nhiều năm qua, LĐLĐ Thành phố trao cho những cá nhân đã có nhiều đóng góp cho phong trào công nhân lao động cũng như là những sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp cho việc tiết kiệm. Với những phát minh khoa học đó đóng góp lớn trong việc gia tăng sản lượng cũng như cải thiện thu nhập cho công nhân lao động”.

Được trao giải lần này còn có mô hình các chiến dịch tình nguyện của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh trong đoàn viên, sinh viên học sinh thành phố thông qua các chiến dịch tình nguyện như: Mùa hè xanh chính thức ra đời từ hè 1997 và duy trì cho đến nay với mỗi năm có hơn 150.000 lượt thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh thành trong nước, đã đóng góp hàng triệu ngày công, giá trị làm lợi cho xã hội lên hàng trăm tỷ đồng.

Từ chiến dịch “Mùa hè xanh” Thành Đoàn đã phát triển thành các chương trình, chiến dịch tình nguyện: Chương trình Tiếp sức mùa thi dành cho sinh viên Thành phố tham gia; Chiến dịch Tình nguyện Kỳ nghỉ hồng; Chiến dịch Tình nguyện Hoa phượng đỏ; Chiến dịch Tình nguyện Hành Quân Xanh. Qua thực tiễn hoạt động, các chiến dịch tình nguyện do Thành Đoàn và các tổ chức thanh niên thành phố phát động đã trở thành những sợi chỉ xanh kết nối tuổi trẻ thành phố với thanh niên và nhân dân các tỉnh, thành phố nơi diễn ra chiến dịch, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cả nước.

Ông Ngô Minh Hải - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Ngô Minh Hải - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Ngô Minh Hải - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tự hào khi nhắc đến các chương trình tình nguyện. “Thể hiện tình cảm của thanh niên TP đến với các vùng còn khó khăn qua việc mở các mặt trận ở nước bạn Lào, Campuchia và tham gia mặt trận tại các xã đảo và hiện nay đã xây dựng đảo Thanh niên tại Đảo Thổ Chu của tỉnh Kiên Giang. Các hoạt động ngày càng đa dạng và đổi mới từ nhiều phương thức. Phương thức chỉ đạo cũng nâng lên. Đó là một kết quả đáng tự hào”, ông Hải chia sẻ.

Bên cạnh các mô hình chiến dịch tình nguyện Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố còn có mô hình Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam. Qua đó tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu đến hội viên, thanh niên về giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của các dân tộc. Kết quả thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018 thu hút khoảng hơn 3.500 hội viên, thanh niên, người dân địa phương và du khách nước ngoài tham gia.

Ông Ngô Minh Hải cho biết thêm: “Điều khó khăn nhất là trong quá trình tập hợp có thể tạo một không gian để các bạn thanh niên biết đến và tham gia nhiều hơn. Đó là bài toán mà Ban tổ chức phải đặt ra cho mỗi kỷ tổ chức ngày hội văn hóa. Và để ngày hội văn hóa các dân tộc được lan rộng nhiều hơn, nhiều bạn dân tộc có cơ hội giao lưu, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc mình cũng như giao lưu với các dân tộc khác, thể hiện tình đoàn kết và cùng tham gia các hoạt động của tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên TP.”

Trên đây là một số sáng kiến trong 8 sáng kiến được chọn trao giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh” vào ngày 16/11 tại Nhà hát Thành phố nhân kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổng kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại TPHCM - TPHCM sẽ tổng kiểm tra công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy trong tháng 11/2019.
Lập kế hoạch xây dựng TPHCM xanh và thân thiện môi trường - UBND TPHCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch xây dựng TP xanh, thân thiện môi trường với mục tiêu chính là phát triển mảng xanh, không gian xanh.