Những tín hiệu lạc quan trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố!

(VOH) - Để bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm cho người dân, tháng 3/2017, Ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố được thành lập.

Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập nên trọng trách rất quan trọng nhằm quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM.

Trong 3 năm qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã có những nỗ lực góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm tại Thành phố.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố cho biết, 3 năm qua điểm nổi bật của Ban thể hiện qua xây dựng và triển khai thực hiện các Dự án, Đề án, Chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Trong việc đẩy mạnh công tác liên kết với các tỉnh, đến nay Ban đã ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 05 tỉnh Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Thông qua việc ký kết góp phần khẳng định việc phối hợp kiểm soát quản lý chất lượng thực phẩm từ nguồn, bảo đảm an toàn thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ.

Bên cạnh đó, chuỗi thực phẩm an toàn cũng là một thành quả nổi bật. Tính đến nay, Ban Quản lý Đề án chuỗi đã cấp hơn 430 Giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn và tổ chức kiểm tra định kỳ các cơ sở tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn”.

Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố

Bà Phong Lan trong một lần kiểm tra chợ đầu mối trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Song song với xây thực phẩm sạch, việc chống thực phẩm bẩn cũng được Ban tiến hành một cách tích cực thông qua thanh kiểm tra. Theo đó, hệ thống thanh tra được tăng cường hoạt động bao gồm hệ thống các đoàn liên ngành của quận huyện và các đội quản lý an toàn thực phẩm của Ban được bố trí về tận quận huyện.

Hiện Ban đã xây dựng được 10 đội quản lý an toàn thực phẩm gồm 2 đội quản lý 2 chợ đầu mối (Bình Điền và Hóc Môn) được phân công kiểm soát toàn bộ thực phẩm về chợ mỗi đêm. Cùng với đó là 8 đội quản lý ở 24 quận, huyện. Đây là lực lượng chủ chốt trong công tác thanh kiểm tra, giám sát vấn đề an toàn thực phẩm tại các địa phương.

Bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh: “Ban thành lập từ tháng 3/2017 nhưng tập trung thanh tra nhiều nhất bắt đầu từ 3 tháng cuối năm 2017 và kéo dài cho đến nay. Đội ngũ này thanh tra được 9.010 cơ sở, phát hiện vi phạm 16,1%, xử phạt trung bình 1 cơ sở gần 13 triệu đồng.

Nếu so sánh với báo cáo của Quốc hội năm 2016 thì con số trung bình 1 vụ xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm của cả nước là 200.000 đồng. Tình trạng rất nhiều cơ sở phát hiện vi phạm chỉ nhắc nhở, không xử phạt, xảy ra rất nhiều ở tuyến quận, huyện - nay đã được làm nghiêm hơn nhiều so với trước”.

Thấy được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm, các đơn vị đã có những nhìn nhận tích cực đối với Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố và đã có những sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

Theo bà Triệu Lệ Khánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM, công tác an toàn thực phẩm không chỉ là nhiệm vụ của riêng ai mà là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, sự chung tay của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và của mỗi người dân.

"Chúng tôi sẽ cùng với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố, hệ thống mặt trận các cấp của thành phố hứa quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố”, bà Khánh nói.

Về vấn đề phối hợp với Ban, ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết việc phối hợp với Ban an toàn thực phẩm: một là xây dựng các chuỗi nông sản an toàn, hai là phối hợp trong việc quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng nông sản phẩm, phối hợp trong các đoàn thanh kiểm tra liên ngành và đặc biệt là trong xử lý dịch bệnh. Qua 3 năm thành lập Ban an toàn thực phẩm, công tác phối hợp cũng có sự chuyển biến và sự quan tâm. Bốn là phối hợp có hiệu quả với ban quản lý an toàn thực phẩm, UBND các quận, huyện và các cơ quan có liên quan để đảm bảo an toàn thực phẩm trong khâu sản xuất ban đầu của TPHCM. Sở Nông nghiệp sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với Ban an toàn thực phẩm để tạo điều kiện cho người dân thành phố có nhiều sản phẩm đảm bảo an toàn để phục vụ cho đời sống của người dân thành phố.

Ba năm khoảng thời gian tuy chưa dài nhưng với việc tập trung vào những công việc trọng điểm của Thành phố, đã giúp cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được tốt hơn.

Việc tập trung theo mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm cũng là tập trung quản lý theo một đầu mối thiết nghĩ rất cần phát huy tiếp tục trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Thành phố đã có phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm thành lập Ban vào sáng 1/11: “Việc thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM là một chủ trương rất đúng đắn và phù hợp. Từ thực tiễn thí điểm của TPHCM có thể khẳng định, mô hình này thật sự có hiệu quả. Thứ nhất là giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở ngành và các đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác an toàn thực phẩm. Thứ hai là công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được quan tâm nhiều hơn. Vị trí và vai trò của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được nâng cao hơn. Thứ ba phát huy được sức mạnh khi tập hợp thực lượng, thống nhất đầu mối trong xử lý công việc. Thứ tư hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn thực phẩm được nâng cao thông qua sự sáng tạo trong sự vận dụng mô hình đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện và chợ đầu mối”.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả bước đầu qua 3 năm thí điểm, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở Nội vụ đề xuất chính phủ cho phép thành lập sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn của UBND thành phố - có chức năng tham mưu cho UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; Cho phép thành phố thành lập mạng lưới các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện chợ đầu mối trực thuộc sở An toàn thực phẩm có chức năng tham mưu tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát an toàn thực phẩm, thanh kiểm tra xử lý vi phạm.

Đưa vào ứng dụng hệ thống Giải trình tự gen thế hệ mới đầu tiên trong cả nước - Sáng nay (1/11), Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng lần thứ 5 đã khai mạc với 70 bài báo cáo, trong đó có 40 bài báo cáo từ các chuyên gia nước ngoài.

Trao giải Hội thi tay nghề Điện dân dụng 2019 - Sáng 1/11, Liên đoàn Lao động Quận 5 (TPHCM) tổ chức trao giải Hội thi tay nghề Điện dân dụng năm 2019.