Nỗi niềm người hớt tóc dạo

(VOH) - Hình ảnh những người thợ hớt tóc chỉ với một bộ đồ nghề đơn giản và chiếc xe đạp len lỏi vào khắp ngõ hẻm từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân thành phố.

Ngày nay, dù trước sự cạnh tranh khá nhiều từ các cửa tiệm lớn sang trọng hiện đại, nhưng đâu đó, chúng ta vẫn bắt gặp những hình ảnh quen thuộc ấy. Dù khó khó khăn, vất vả nhưng những người làm nghề vẫn cố bám để mưu sinh.

...để mưu sinh

“Chỉ cần chiếc xe đạp cà tàng, hòm sắt đựng đồ nghề và đôi bàn tay là có thể vào nghề được rồi”- Đó là câu nói vui của ông Nguyễn Văn Tuấn. Ở cái tuổi 62, đã hơn 20 năm trong nghề hớt tóc vỉa hè trên đường Tôn Đức Thắng (P.Bến Nghé, Quận 1). Ông vui vẻ kể với chúng tôi về “duyên nghề” của mình rằng khi còn trẻ từng làm trong bệnh viện lớn của TPHCM, dường như “cái nghề đeo bám”, người thanh niên ấy đã quyết bỏ công việc nhiều người mơ ước – để chọn nghề hớt tóc vỉa hè. Bởi như ông nói: “Đơn giản vì yêu thôi!”.

Và cứ thế mỗi ngày ông vẫn cặm cụi, xách bộ đồ nghề cùng chiếc xe đạp cũ kỹ hơn 20 năm trời từ phòng trọ đến “tiệm” hớt tóc của mình. Cuộc sống với ông Nguyễn Văn Tuấn như vậy đã là thi vị: "Ngồi mà không có khách thì mình đọc báo, suy nghĩ tìm những tờ báo thời trang, tìm những kiểu tóc của diễn viên rồi mình lấy kéo mình cắt ra. Mấy ông khách lớn tuổi lại khen ở đây sạch sẽ, mát, có không khí thiên nhiên mà họ đâu có thích vào tiệm đâu. Họ nói vào máy lạnh nó chật chội, họ không có thích".

Nỗi niềm người hớt tóc dạo

Một góc nhỏ của người thợ cắt tóc. Ảnh minh hoạ: daidoanket

Còn với anh Nguyễn Công Vinh, khuôn mặt khá trẻ nhưng đã 15 năm làm nghề hớt tóc dạo trên con đường Nguyễn Công Trứ, Quận 1. Anh Vinh là con út và cũng là đứa con trai duy nhất trong gia đình có 6 người con. Từ nhỏ anh đã được ba truyền nghề, cũng thử sức với nhiều ngành nghề và rồi nhận ra rằng “mình không hợp với những công việc theo thời gian, như thế này thoải mái hơn nhiều”. Vậy nên khi ba mất anh quyết định thay thế vị trí của ba. Lúc đầu làm không có khách cũng chán lắm, nhưng cố gắng, dần cũng quen rồi người ta cũng biết và tìm đến anh. Trò chuyện với chúng tôi một lúc thì có một vị khách đến ngồi. Chúng tôi lặng lẽ nhìn bàn tay anh Vinh điêu luyện cầm kéo, xoay kéo…

Người thợ trẻ với nụ cười nhẹ trên môi, cùng đôi mắt hăng say làm việc, cho biết nghề này mỗi ngày mình được nghe tiếng dao kéo, tiếng xoẹt xoẹt, mỗi khi có khách tới cắt mà thấy khách hài lòng thì mình cũng vui. Nhiều khi mình nghĩ có nhiều tiền thì mình xài theo cách của nhiều tiền còn không có tiền thì mình xài theo cách ít tiền. Tuy ít tiền nhưng mình cảm thấy thoải mái là đươc rồi".

Khách của thợ hớt tóc bình dân đa số là mấy ông già, thợ thuyền, người bình dân hoặc học sinh, sinh viên cắt những kiểu tóc đơn giản. Ông Vương Liêm, ở đường Trương Định, Quận 1, là người thường xuyên đến các vỉa hè cắt tóc cho biết khi ngồi hớt tóc ngoài đường thì tôi không nghĩ đến vấn đề đẹp nhưng nghĩ đến việc đường ngồi thông thoáng, giá tiền cũng rẻ hơn. Một tháng cắt vài lần, lần này không đẹp thì lần sau tôi tìm chỗ khác. Cái thú vị là khi ngồi đó tôi gặp gỡ được rất nhiều người ngoài đường phố, trong đó có người cao tuổi thì tôi có thể nói chuyện trao đổi. Và chính bản thân mấy ông thợ hớt tóc cũng có sự hiểu biết về xã hội, chỗ họ là đầu nguồn tiếp thu tất cả những tin tức, ý kiến, những phản ánh của xã hội và đương nhiên mình chọn lọc thông tin nào thấy đúng và hợp lý.

Hợp gu của khách

Ngồi hớt tóc trên vỉa hè, từng giọt nắng long lanh chiếu rọi vào kẽ lá, vài cơn gió trời mát lành thổi qua, không gian dường như êm dịu hơn bởi bàn tay thuần thục làm quên đi tiếng xe cộ tấp nập, ồn ào ngoài đường dù rằng chỉ cách vài mét…Và cứ thế mỗi lượt khách đi rồi đến. Dù nắng hay mưa, những con người mưu sinh với nghề hớt tóc vỉa hè vẫn hằng ngày cố gắng bám trụ với từng chiếc kéo, chiếc lược, chiếc gương… Gợi nhớ gợi thương cho những ngày xa xưa ở Sài Thành…

Tương tự, chúng tôi tìm đến 1 địa điểm hớt tóc vỉa hè khác trên đường Nguyễn Thiện Thuật, gần Bệnh viện Da liễu ở Quận 3. Những người thợ hớt tóc ở đây ăn mặc khá lịch sự, tươm tất. Chúng tôi vừa đến làm quen với ông Nguyễn Văn Được thì cũng có một vị khách vừa tấp xe vào. Vị khách vừa ngồi xuống không nói không rằng tự lấy tờ báo để sẵn trên miếng gỗ tạm bợ bỏ vật dụng hớt tóc chăm chú đọc. Còn ông Được thì thoăn thoắt bắt tay vào việc, đôi mắt sáng theo từng đường đưa kéo, vừa hớt tóc ông lại thỉnh thoảng hỏi chuyện khách hàng, từ công việc, gia đình đến chuyện gì mới, chuyện gì nóng báo vừa đưa… Rồi ông cũng gợi ý cho khách: “Tỉa lại cho gọn anh nhé, tóc của anh hớt cao sẽ không hợp với khuôn mặt”…

Ngỡ những quán vỉa hè chỉ có những người công nhân, thu nhập thấp nhưng ông Được cũng có khách mối, nhiều người chạy xe SH, nhiều khi là xe hơi, bởi họ thích không khí hớt tóc ở vỉa hè. Ông Nguyễn Văn Được, cho hay hớt tóc theo kiểu bây giờ, kiểu thanh niên yêu cầu sao mình hớt vậy. Họ hớt tóc kiểu gì đó, tôi nhìn kiểu là biết, chỉ cần tả, nói là biết liền. Quan trọng là mình hớt đẹp thì họ thích.

Xoẹt… xoẹt… tiếng hớt tóc vẫn đều đều, nhỏ nhẹ hòa vào tiếng ồn ào náo nhiệt của phố thị. Những bàn tay điệu nghệ vẫn xoay vần. Họ vẫn sống vẫn làm việc vẫn hằng ngày chứng kiến sự đổi mới của thành phố. Càng ngày càng có nhiều kiều tóc mới. Và những người thợ hớt tóc ấy họ cũng nhận ra rằng thời hớt tóc vỉa hè không còn được ưa chuộng nữa, rồi cũng sẽ đến một ngày không còn chiếc gương nào treo lủng lẳng trên bức tường rêu phong, những chiếc kéo ngang dọc phố phường và những chùm tóc bay lả tả theo gió chỉ còn trong trí nhớ. Nhưng họ vẫn cố bám trụ được ngày nào hay ngày đó. Bởi niềm hạnh phúc duy nhất của những thợ hớt tóc vỉa hè là được làm đẹp cho người và để cũng mong giữ một nét gì đó cổ xưa cho TPHCM.