Phát huy nguồn lực kiều bào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM

(VOH) - Sáng 11/6, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức Hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM 

Hội nghị với chủ đề: “Khởi nghiệp địa phương, vươn tầm quốc tế”. Hội nghị thu hút sự tham dự của trên 100 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các Hiệp hội và Hội Doanh nhân, chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực khởi nghiệp. 

Theo các chuyên gia thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là sự kết nối bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa các sự cạnh tranh càng ngày càng lớn của quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, thành phần gồm: cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu - phát triển, các tổ chức hỗ trợ trực tiếp, các tổ chức hỗ trợ gián tiếp, và các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có đủ sự kết nối cộng sinh giữa các thành phần để cùng phát triển, đáp ứng được.

Chia sẻ vấn đề này, ông Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa TPHCM, Chủ tịch Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ngành cơ khí, cho rằng Ban điều hành cần có kế hoạch lộ trình thật cụ thể, rõ ràng để có bước phát triển đồng hành với hoạt động khởi nghiệp. 

"Tôi rất kỳ vọng thông qua hội nghị này, chúng ta có thể trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để đưa các nhà khởi nghiệp từ trong nước ra thị trường nước ngoài, và ngược lại những ý tưởng từ bên ngoài về áp dụng vào Việt Nam", ông Thanh Phong nói.

kiều bào, hệ sinh thái, khởi nghiệp, TPHCM

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị 

Theo ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, nói đến khởi nghiệp là nói đến sự bắt đầu, khơi nguồn sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có trung tâm lớn để hướng dẫn, hỗ trợ bài bản cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Các trường Đại học, doanh nghiệp lớn phải là nền cho các đơn vị khởi nghiệp, để cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Ông Peter Hồng cũng cho biết: Hằng năm có khoảng 3 đến 5 ngàn Kiều bào về sinh sống, làm việc, khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho các đối tượng Kiều bào về quê hương khởi nghiệp, Hiệp hội vẫn chưa kết nối được. "Hiện nay theo tổng kết của chúng tôi trên toàn thế giới, kiều bào chúng ta có khoảng 177.000 doanh nghiệp nhưng mà hiện nay tổng kết chỉ có 9.000 đến 10.000 doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm có từ 5.000 đến 9.000, tuy nhiên đến giờ phút này vẫn chưa làm được 400 đến 500 cực kỳ chậm. Mục đích kết nối họ làm ăn, solgan của Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến năm 2023 là mang doanh nghiệp kiều bào kết nối với doanh nghiệp trẻ để kinh doanh nhưng mà vẫn gặp khó", ông Hồng thông tin.

Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi kinh nghiệm về các hoạt động kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại; ứng dụng blockchain (công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian) trong khởi nghiệp, kết nối nhà xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho thị trường châu Á. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về quỹ khởi nghiệp; hỗ trợ về khởi nghiệp; tư vấn xây dựng thương hiệu, đồng hành hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua kết nối tri thức, công nghệ và vốn… Nhiều ý kiến cũng chia sẻ kinh nghiệm về truyền cảm hứng cho sinh viên về tinh thần khởi nghiệp.