Quá trình đô thị hóa phải tuân thủ đúng lộ trình

(VOH) - Phát triển đô thị hóa cần phải tuân thủ theo đúng lộ trình và quy hoạch đề ra, có như vậy thì việc phát triển mới bền vững.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia đưa ra trong Hội thảo “Đánh giá quá trình đô thị hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030” diễn ra tại Sở Xây dựng TPHCM sáng 15/6.

Với điều chỉnh về ưu tiên phát triển các thành phố lớn như Hà Nội và TTPHCM thời gian qua trong hệ thống đô thị Việt Nam cơ bản phù hợp với quy luật tất yếu. Chính 2 đô thị lớn này đóng vai trò đô thị hạt nhân cho 2 vùng trọng điểm của đất nước về nhiều mặt. Tuy nhiên theo các chuyên gia, thời gian qua tốc độ phát triển đô thị hóa khá nhanh chủ yếu vào những đô thị trọng tâm nên kéo theo 1 số hệ lụy, tồn tại nhất định, trong đó cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở, vệ sinh môi trường là những bất cập dễ nhận thấy nhất hiện nay khi tốc độ tăng dân số cơ học tăng nhanh.

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM thì việc phát triển đô thị hóa cần phải xuyên suốt theo trình tự bắt đầu từ chính sách cho đến khi đi vào triển khai thực tế. "Tiếp cận quản lý từ đầu tiên là chính sách, tiếp đến là phát triển tài chính, đánh giá ra làm sao, chúng ta phải tiếp cận đánh giá từ trên xuống", TS Kim Cương biết.

Quá trình đô thị hóa phải tuân thủ đúng lộ trình

TPHCM có tốc độ đô thị hóa nhanh và trở thành đô thị năng động nhất cả nước. Ảnh: baoxaydung

Trước nay nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển đô thị hay đô thị hóa phải làm theo mô hình của nước này hay nước khác. Nhưng theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thì quan điểm đó chưa hẳn đúng, điều quan trọng là phải dựa trên nền tảng thực tế của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Hay nói 1 cách khác phát triển trước hạ tầng rồi từ từ uốn theo cho phù hợp với tình hình thực tế, đừng quá đặt nặng việc dân cư tập trung tại 1 đô thị quá đông, mà phải nghĩ đến phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu. 

"Quan điểm giảm dân là không phù hợp với các nước châu Á. Ở châu Á có 2 công thức: mật độ dân số cao, giao thông công cộng. Chúng ta đã có mật độ cao rồi thì phải xây dựng hệ thống giao thông thì may ra mới giải quyết được bài toán phát triển của thành phố chúng ta", Tiến sĩ Thế Du phân tích.

Với nhiều ý kiến tâm huyết được các nhà khoa học đưa ra, theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố là những tài liệu hết sức quý để Sở chủ trì soạn thảo báo cáo hoàn chỉnh trình Ủy ban Nhân dân Thành phố thời gian tới. "Các ý kiến cho thấy được thực trạng và đánh giá quá trình đô thị hóa. Chúng tôi sẽ cùng nhau xem lại thật kỹ trước khi hoàn chỉnh báo cáo. Đây là những thông tin rất có ích và quý giá để các sở suy nghĩ trong công việc của mình”, ông Bình nói.

Sau hội thảo, Sở Xây dựng Thành phố sẽ tiếp tục nhận ý kiến, các bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh báo cáo. Vì theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng thì đây là báo cáo rất quan trọng mà TPHCM được Trung ương giao tổ chức biên soạn để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào định hướng quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.