Quận 9: Công trình chống ngập hiệu quả chưa cao

(VOH) - Tình hình xóa ngập nước trên địa bàn quận 9 gặp khó khăn thách thức do thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tần suất mưa liên tục, thời gian kéo dài...

Đây là ghi nhận của Đoàn Giám sát Hội đồng Nhân dân Thành phố do bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban văn hóa Xã hội - Hội đồng Nhân dân Thành phố làm Trưởng đoàn đi thực địa một số khu vực, dự án chống ngập trên địa bàn quận 9 vào sáng nay 4/6.

Quận 9 những năm gần đây phát triển rất nhanh. Trên địa bàn quận có 350 tuyến đường, 74 cầu giao thông, 940 tuyến hẻm; số tuyến đường có hệ thống thoát nước là 280/350 tuyến đường, chiếm tỷ lệ trên 59%; chưa có hệ thống thoát nước là 142/350 tuyến, chiếm tỷ lệ gần 41%; Số tuyến hẻm có hệ thống thoát nước là 76/940 tuyến hẻm, chiếm tỷ lệ trên 8%, chưa có hệ thống thoát nước 864/940 tuyến hẻm chiếm tỷ lệ gần 92%.

 chống ngập , Công trình chống ngập, Quận 9

Đoàn Giám sát HĐND TP đi khảo sát một số khu vực, dự án chống ngập, thoát nước trên địa bàn quận 9 vào sáng nay 4/6

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn quận 9 xuất hiện 22 điểm ngập, trong đó có 11 điểm thường xuyên ngập trên 0,5m; 11 điểm ngập từ 0,2 đến 0,4 mét, thời gian nước rút trung bình từ 15-60 phút. Quận đã giải quyết  dứt điểm 11/22 điểm ngập bằng các giải pháp công trình như: đầu tư mới hệ thống thoát nước hiện hữu, thường xuyên nạo vét hệ thống thoát nước, rạch thoát nước hiện hữu.

Tại quận 9, các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng bao gồm: Hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp từ Xa lộ Hà Nội đến cầu Rạch Chiếc; hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp từ cầu Rạch Chiếc đến Nguyễn Duy Trinh. Tuy nhiên, hiện hiệu quả dự án thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp từ Xa lộ Hà Nội chưa đạt như mong đợi, vẫn xuất hiện một số điểm ngập cục bộ.

 chống ngập , Công trình chống ngập, Quận 9

Đoàn Giám sát HĐND TP đi khảo sát một số khu vực, dự án chống ngập, thoát nước trên địa bàn quận 9 vào sáng nay 4/6

Nguyên nhân được nhìn nhận là vài năm trở lại đây, liên tục xuất hiện nhiều cơn mưa vũ lượng lớn, trong đó có một số cơn mưa vũ lượng trên 100 mm, kết hợp triều cường dâng đã dẫn đến việc hệ thống thoát nước hoạt động không hiệu quả gây ngập cục bộ.

Mặt khác, do bất lợi về địa hình của tuyến đường Đỗ Xuân Hợp có độ dốc địa hình lớn, cửa xả thoát ra rạch Trường Thọ và Rạch Chiếc bố trí nằm ở hai đầu của tuyến, điểm có cao độ thấp nhất tại khu vực trước trụ sở UBND phường Phước Bình. Do đó khi mưa lớn, nước tập trung nhanh về khu vực này không kịp thoát vào hệ thống thoát nước gây ra tình trạng thoát nước chậm cục bộ trong mùa mưa.

Một nguyên nhân khác là cửa xả tại sông Rạch Chiếc có cao độ quá thấp nên bị ảnh hưởng và tác động của triều cường dẫn đến giảm khả năng thoát nước của hệ thống. Hiện hệ thống thoát nước đường Đỗ Xuân Hợp sau khi hoàn thành vẫn chưa giải quyết được nhu cầu thoát nước chung cho cả khu vực do trước đó chỉ tính toán thoát nước giải quyết ngập tuyến đường Đỗ Xuân Hợp và một phần nhỏ lưu vực thoát nước nằm dọc tuyến thuộc địa bàn phường Phước Bình.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND quận 9, dự kiến trong năm nay, sẽ khởi công một số dự án như: Cải tạo cống thoát nước giảm ngập đường Lã Xuân Oai, xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, đường 1…

 chống ngập , Công trình chống ngập, Quận 9

Đoàn Giám sát HĐND TP đi khảo sát một số khu vực, dự án chống ngập, thoát nước trên địa bàn quận 9 vào sáng nay 4/6

UBND quận 9 cũng đề xuất đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt và giao vốn đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án cải tạo cống thoát nước giảm ngập ở đường Lã Xuân Oai, nâng cấp hệ thống thống thoát nước đường 8; sớm giao mặt bằng để triển khai công trình sửa chữa, cải tạo hạ lưu hệ thống thoát nước cánh đồng phường Phước Long B, quận 9.

 chống ngập , Công trình chống ngập, Quận 9

Đoàn Giám sát HĐND TP đi khảo sát một số khu vực, dự án chống ngập, thoát nước trên địa bàn quận 9 vào sáng nay 4/6

Tại buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND Thành phố - Bà Thi Thị Tuyết Nhung chia sẻ với nỗi khổ của người dân sống ở nơi hay bị ngập nước. Bà cho rằng nhà cửa bị ngập, đồ đạc hư hại, môi trường bị ô nhiễm, chất lượng cuộc sống sẽ giảm sút. “Người dân cứ nghĩ, làm công trình chống ngập là sẽ hết ngập chứ không hiểu rằng chỉ tạm thời giảm ngập” – bà Nhung nói và đề nghị, khi triển khai bất cứ công trình nào, quận cần tính toán sao cho thật hiệu quả, tránh đầu tư lãng phí, gây thất vọng cho người dân.