Quận Bình Tân tăng cường truyền thông "Vì cuộc sống an toàn của trẻ em"

(VOH) - Sáng 13/8, Cục Trẻ em thuộc Bộ LĐ TB&XH phối hợp với quận Ủy quận Bình Tân và Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam tổ chức buổi tuyên truyền với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn của trẻ em".

Quận Bình Tân hiện nay có 766.551 nhân khẩu. Số trẻ em từ 0 - 16 tuổi là 97.600 em, có 878 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tình hình di dân ở các tỉnh vào địa phương làm ăn sinh sống ngày càng tăng, hiện có gần 8.000 nhà trọ, phòng trọ cho thuê với hơn 216. 217 người thuê để ở trong đó số trẻ em sống với cha mẹ và đa phần có cuộc sống khó khăn.

Do không có công ăn việc làm, chỗ ở ổn định; trẻ em trong những gia đình này có rất nhiều nguy cơ trở thành trẻ em lao động sớm, dễ bị kẻ xấu lợi dụng xâm hại. Trong 2 năm 2017 - 2018 trên địa bàn xảy ra 18 vụ xâm hại trẻ em và 6 tháng đầu năm 2019 xảy ra 10 vụ. Đây là những vấn đề thách thức, cần thiết có sự đầu tư giải quyết của các ngành, các cấp trên địa bàn quận.

Ông Đỗ Đình Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân cho biết: Quận sẽ chú trọng đẩy mạnh truyền thông ở những nơi có đông công nhân thuê trọ để mọi người biết cách phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, đối với những vụ việc xảy ra cũng giao cho địa phương và công an xác minh và có những biện pháp xử lý kịp thời".

Chuyên gia tâm lý - Tiến sỹ, Phạm Thị Thúy, tại buổi tuyên truyền với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn của trẻ em” quận Bình Tân

Cùng tham gia giao lưu, trò chuyện với anh chị em công nhân tại quận Bình Tân, chuyên gia tâm lý - Tiến sỹ, Phạm Thị Thúy cho biết cuộc sống ở các khu nhà trọ khá đông và phức tạp, người tốt người xấu cũng không thể phân biệt rõ ràng, và việc bảo vệ trẻ em cũng có sự lơ là do điều kiện và thời gia cha mẹ dành cho con cũng không nhiều vì vậy lãnh đạo của các doanh nghiệp, nhà máy cần quan tâm đến con em của anh chị em công nhân nhiều hơn. Vì khi con cái của họ an toàn thì họ mới có thể an tâm làm việc.

Do đó, cần xây dựng những nhà trẻ có người trông giữ trẻ ngoài giờ khi công nhân chưa tan ca hoặc phải tăng ca. Tiến sỹ Phạm Thị Thúy đề xuất tại nơi ở của công nhân phải thường xuyên tuyên truyền để những người cùng khu trọ biết tôn trọng trẻ em và cha mẹ cũng biết nên làm gì để con mình an toàn.

Ví dụ dạy cho bé cách bảo vệ bản thân như tặng sách cho trẻ, phát những tờ rơi nho nhỏ để trẻ có thể đọc ngay lập tức những gì quan trọng nhất cần làm thì khi trẻ nhận ra vùng riêng tư, là nơi bất khả xâm phạm thì bất kỳ ai, sờ, chạm, nói thì trẻ sẽ có cách để trẻ tránh xa và nói lại ba mẹ thì chúng ta mới ngăn ngừa được những " yêu râu xanh" trong cộng đồng.

Bà Dragana Strinic - Giám đốc Quốc gia tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam 

Phát biểu tại buổi truyền thông, bà Dragana Strinic - Giám đốc Quốc gia tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam cho rằng: Trẻ em đang gặp nguy hiểm vì bạo hành và xâm hại tình dục. Theo nghiên cứu về tội phạm của Bộ Công an, năm 2018 Việt Nam có 1.269 trẻ bị xâm hại tình dục và xâm hại tình dục để lại cho trẻ những hậu quả nghiêm trọng về thể chất cũng như tinh thần. Do đó, việc hướng dẫn cho cha mẹ và trẻ em các kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ cũng như để trẻ tự phòng vệ là rất cần thiết.

Một phụ huynh trao đổi tại buổi truyền thông

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng đây là một mô hình hay cần được nhân rộng để tăng cường hơn nữa việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trên địa bàn TPHCM cũng như trong cả nước. Sắp tới Cục trẻ em sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức liên quan tới trẻ em. Bởi vì pháp luật tốt đến mấy nhưng nếu cha mẹ không có kiến thức để bảo vệ chính con em của mình thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân trẻ em cũng sẽ bị thiệt thòi và gặp phải những rủi ro:

"Chúng tôi sẽ tăng cường truyền thông cả ở các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như trên mạng xã hội cũng như hoạt động truyền thông tại cộng đồng như ngày hôm nay để làm sao tăng cường kiến thức và kỹ năng cho các gia đình để họ có thể tự bảo vệ con em mình. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành giáo dục đào tạo để đưa các kỹ năng tự bảo vệ bản thân vào trong trường học, từ bậc mầm non để trẻ em có những kiến thức để tự bảo vệ mình cũng như hợp tác tốt hơn với các tổ chức xã hội, các cơ quan chức năng để công tác bảo vệ trẻ em và phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em đạt kết quả tốt hơn trong thời gian sắp tới".

Ông Đỗ Đình Thiện – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân cho biết thêm: Quận quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong xã hội, đến từng cộng đồng dân cư, từng gia đình, nhất là đến các bậc cha mẹ nhập cư trên địa bàn quận.

Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra giám sát các cơ sở nuôi giữ các cơ sở có nguy cơ sử dụng lao động trẻ em, các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Vận động gia đình phối hợp cùng nhà trường và các tổ chức xã hội thường xuyên quan tâm chăm sóc con em mình trong phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Kịp thời phát hiện sai phạm, thực hiện can thiệp, hỗ trợ trẻ em và xử lý nghiêm các trường hợp bạo lực xâm hại trên địa bàn quận.