Tam giác phát triển du lịch TPHCM-Bình Thuận-Lâm Đồng cần đi vào thực chất

(VOH) - Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình “Hợp tác liên kết Tam giác phát triển du lịch TPHCM - Bình Thuận - Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2018” diễn ra sáng nay 15/4.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, kết quả của sự liên kết này đã giúp cho 3 địa phương có sự trao đổi, hỗ trợ và liên kết chặt chẽ, cả về công tác quản lý nhà nước cũng trao đổi du khách, đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo chất lượng nguồn nhân lực.

Báo cáo cho thấy, thời gian qua, các địa phương trong Tam giác đã hỗ trợ cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch cũng như giới thiệu cho nhau những chủ trương mới về quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch địa phương…

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Lâm Đồng và Bình Thuận, khoảng 50% dự án thuộc lĩnh vực du lịch ở 2 địa phương này do các doanh nghiệp ở TPHCM đầu tư.

Cụ thể, Bình Thuận có gần 240 dự án du lịch do các nhà đầu tư ở TPHCM đến đầu tư, chiếm 62% tổng số dự án được chấp thuận với tổng diện tích trên 4.600ha cùng tổng số vốn là trên 31.000 tỷ đồng.

Riêng với Lâm Đồng, có khoảng 100 dự án du lịch của các nhà đầu tư đến từ TPHCM, chiếm 44% tổng số dự án được chấp thuận với khoảng 30.000 tỷ đồng. Sản phẩm đầu tư chủ yếu là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.

Ông Ngô Minh Chinh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Thuận cho rằng, dù đạt được những kết quả nhất định, song cũng cần phải có chiến lược hợp tác cụ thể hơn nữa để đưa liên kết này đi vào thực chất hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Lửa Việt đặt mối quan tâm đến những con số được đưa ra tại báo cáo sơ kết này là tự thân có hay qua sự liên kết này mới có?

Phải chăng các doanh nghiệp tự thấy phải đầu tư kinh doanh hay từ các chính sách ưu đãi của liên kết này đem lại vì thực tế, chúng ta đang không có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp giữa 3 địa phương.

Bà Hồ Thị Bích Thủy, Giám đốc phụ trách Khối lữ hành, Công ty Cholontourist

Bà Hồ Thị Bích Thủy, Giám đốc phụ trách Khối lữ hành, Công ty Cholontourist

Bà Hồ Thị Bích Thủy, Giám đốc phụ trách Khối lữ hành, Công ty Cholontourist cho biết, năm 2017, đơn vị này phục vụ khoảng 30.000 lượt khach du lịch nội địa. 50% trong số đó đã đồng hành đến 2 địa phương là Đà Lạt và Phan Thiết. Điều đó có nghĩa đây là 2 điểm đến khá hấp dẫn du khách ở TPHCM.

Tuy nhiên, so với trước đây, những bất cập về sản phẩm du khách, dịch vụ lưu trú bị thâu tóm trong những dịp lễ tết gây khó khăn không ít cho các đơn vị lữ hành.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ phát biểu tại hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình “Hợp tác liên kết Tam giác phát triển du lịch TPHCM - Bình Thuận - Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2018” diễn ra sáng 15/4.

Rõ ràng, liên kết là điều cần thiết trong phát triển du lịch, nhất là ở một thị trường có nguồn khách du lịch dồi dào như ở TPHCM. Thế nên bên cạnh chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng nhà hàng, khách sạn, đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng cần được quan tâm để từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các đại diện doanh nghiệp lữ hành, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch nói sự kết nối giữa TPHCM - Bình Thuận - Lâm Đồng đang phát triển rất tốt nhưng để hình thành một tam giác phát triển thực sự thì còn những điểm cần phải bàn bạc và thay đổi rất kỹ.

Những kiến nghị của các doanh nghiệp lữ hành sẽ được xem xét, bổ sung.