Tạo điều kiện để lao động nữ được làm việc hạnh phúc

(VOH) - Ngày 18/10, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM tổ chức tọa đàm “Tạo điều kiện để lao động nữ được làm việc hạnh phúc”.

Tọa đàm với sự tham gia của hơn 350 công nhân lao động, cán bộ công đoàn, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố. Phát biểu tại chương trình, ông Trần Duy Phương – Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn đặt vấn đề: Vậy ở quy mô doanh nghiệp thì sao? Hiện nay, chưa có tiêu chí cụ thể nào để đánh giá rằng doanh nghiệp đó đã tạo điều kiện để người lao động, đặc biệt là lao động nữ được làm việc hạnh phúc. Họ đã thực sự thỏa mãn với công việc chưa? Vậy tại sao không bắt đầu từ ngay bây giờ, ngay hôm nay? Nên chăng cần đưa tiêu chí “Lao động nữ được làm việc hạnh phúc” vào văn hóa doanh nghiệp, vào mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng đến.

Theo báo cáo chỉ số Hạnh phúc năm 2020 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam đã chiếm vị trí thứ 83/156 quốc gia về chỉ số hạnh phúc, thứ bậc của Việt Nam đã tăng lên đáng kể so với năm 2019 và năm 2018. Ở một số tỉnh, thành chỉ số hạnh phúc đã trở thành mục tiêu phấn đấu. Như vậy, chỉ số hạnh phúc, tiêu chí hạnh phúc đã và đang được quan tâm, cụ thể hóa từ cấp quốc gia đến địa phương. 

lao động nữ, làm việc hạnh phúc, ngày 18 tháng 10 năm 2020
Tọa đàm “Tạo điều kiện để lao động nữ được làm việc hạnh phúc”. Ảnh: Mỹ Trang

Cho biết thực tế tại đơn vị mình, bà Đỗ Thị Xuân Chi – Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn, Trưởng ban Truyền thông của Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), chia sẻ: “Từ nhiều năm trước đây, công tác bình đẳng giới đã được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện và đưa ra nhiều giải pháp để người lao động của cả hai giới được đối xử và có cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến ngang nhau. Từ năm 2018, sau khi được công nhận chứng chỉ EDGE, qua các đề xuất để thực thi chính sách bình đẳng giới của Tổ chức EDGE, EVNHCMC đã hoàn thiện và thực hiện bài bản hơn công tác bình đẳng giới qua việc lồng ghép trong các chương trình công tác, xây dựng quy chế quản lý nội bộ, tổ chức các hoạt động… Công đoàn đã luôn đồng hành với lao động nữ qua mạng lưới cán bộ nữ công từ Tổng công ty đến đơn vị. Công đoàn tham gia thiết thực vào việc xây dựng và thực hiện Thoả ước lao động tập thể, Nội quy lao động, các quy chế về phân phối tiền lương, chi hỗ trợ bệnh hiểm nghèo,...

Bên cạnh đó Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động để chăm lo, động viên tinh thần của lao động nữ. Lãnh đạo của Công đoàn được tham gia vào các Hội đồng thi đua khen thưởng, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Tổng công ty Điện lực TPHCM, Hội đồng xét duyệt chế độ hỗ trợ cho người lao động,... nên luôn có điều kiện tham gia ý kiến, đề đạt các nội dung liên quan đến chế độ chính sách, bình đẳng giới và điều kiện lao động. Cá nhân tôi cho rằng để phát triển bền vững, lao động nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc trong công việc khi được đối xử bình đẳng – “bình đẳng” chứ không phải là “giống hệt” như lao động nam, cũng không phải là “ưu ái” hơn lao động nam. Đó là sự bình đẳng trong tuyển dụng, bố trí công việc; trong tiền lương, học tập; trong điều kiện hỗ trợ là trách nhiệm nuôi dạy con cái; trong cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Sự bình đẳng đó có cân nhắc đến những điểm mạnh, điểm yếu về thể trạng và trí óc, tinh thần của người phụ nữ.

Với một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Madina Beauty & Academy - Doanh nghiệp đào tạo chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, cho rằng: Trong công việc, nếu chị em cảm thấy tự tin về bản thân, được tự do lựa chọn những điều mình muốn làm, thỏa mãn với công việc, thu nhập thì đó là hạnh phúc. Thực tế,  trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có các sáng kiến, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho lao động nữ như tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho lao động nữ, đó chính là biểu hiện của việc doanh nghiệp đang nỗ lực để lao động nữ được làm việc hạnh phúc.

Còn dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, bà Nguyễn Thị Tâm cho rằng, trong công việc, muốn lao động nữ được hạnh phúc cần có nhiều yếu tố. Trước hết, chủ doanh nghiệp cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cho lao động nữ, giúp tạo điều kiện cho lao động nữ có môi trường, điều kiện học tập, nâng cao kiến thức kỹ năng trong công việc chuyên môn và cả kỹ năng kiến thức trong tổ chức cuộc sống gia đình; Các tổ chức đoàn thể đang hoạt động trong doanh nghiệp, đơn cử như Công đoàn cần tổ chức nhiều hoạt động chất lượng, có giá trị, trang bị những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống cho chị em. Đặc biệt chính bản thân người lao động phải ý thức đầu tư thời gian vào việc học tập, nâng cao nhận thức, chú ý chăm sóc bản thân, đời sống tinh thần, phải tự tạo niềm vui cho chính mình, làm cho mình luôn suy nghĩ tích cực, có năng lượng tích cực, để tạo ra mội trường sống an toàn hạnh phúc cho gia đình và nơi làm việc. 

Bên cạnh nội dung tọa đàm được chia sẻ, để hỗ trợ cho lao động nữ gặp khó khăn về việc làm, công đoàn các KCX – CN TP và Madina Beauty & Academy đã ký kết Thỏa thuận đào tạo nghề làm đẹp miễn phí cho lao động nữ, mỗi khóa học trị giá 5 triệu đồng. Công đoàn các KCX – CN TP  cũng đã trao tặng 27 suất học bổng cho con đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi với tổng số tiền trên 30 triệu đồng, khám sức khỏe miễn phí cho nữ công nhân lao động,  tặng 500 voucher miễn phí khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung Pap smear cho nữ công nhân, trang điểm, cắt tóc miễn phí. Bán hàng giảm giá từ 10% đến 50% cho công nhân lao động…