Tập trung nâng cao ứng xử của lực lượng cảnh sát giao thông

(VOH) - Để tránh xung đột không đáng có giữa cảnh sát giao thông và người vi phạm, Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt Công an TPHCM tập huấn, nâng cao văn hóa ứng xử cho lực lượng CSGT. Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) với Trung tá Huỳnh Trung Phong – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt Công an TPHCM.

Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt Công an TPHCM. (Ảnh: K.Huân).  

VOH: Thời gian qua, Công an TP.HCM thực hiện hàng loạt biện pháp chấn chỉnh sai phạm, nâng cao văn hóa ứng xử, ông đánh giá thế nào về tín hiệu này?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Xuất phát từ tình hình thực tế, chúng tôi hết sức quan tâm, nghiên cứu các giải pháp, đề án để xây dựng hình ảnh đẹp đối với cán bộ, chiến sĩ CSGT.

Trong đề án này, chúng tôi xây dựng lộ trình và các bước cụ thể, tập huấn nghiệp vụ, nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tế. Một điều quan trọng là chúng tôi quán triệt làm sao mỗi cán bộ chiến sĩ đều có nhận thức.

Trên cơ sở này, ngoài việc tập huấn nghiệp vụ thì cán bộ chiến sĩ CSGT cần có kiến thức cơ bản và hiểu biết về văn hóa ứng xử.

VOH: Để làm được điều này, phòng CSGT có chương trình cụ thể gì?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Chúng tôi tổ chức lớp, mời giáo sư, tiến sĩ có trình độ hiểu biết về văn hóa ứng xử để trực tiếp giảng dạy. Ngoài ra, chúng tôi còn trực tiếp biên soạn các tài liệu về văn hóa ứng xử, tập huấn cán bộ, chiến sĩ…

Đặc biệt, chúng tôi mời GS.TS Vũ Gia Hiền và TS Huỳnh Văn Sơn – những chuyên gia tâm lý có hiểu biết về văn hóa ứng xử. Thông qua tập huấn để trao đổi, giúp cán bộ, chiến sĩ CSGT hiểu rõ hơn về thực tế, điều kiện khi tiếp xúc người dân. Đặc biệt là các kỹ năng xử lý hòa nhã, đúng mực.

Chúng tôi yêu cầu mỗi cán bộ chiến sĩ đều có viết cam kết đảm bảo yêu cầu đúng chức trách, nhiệm vụ. Chúng tôi bố trí các tổ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của lực lượng CSGT.

VOH: Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt Công an TPHCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước mời chuyên gia tâm lý dạy văn hóa ứng xử cho CSGT. Ông đánh giá sao về hiệu quả của các lớp tập huấn?

Trung tá Huỳnh Trung Phong: Khi tổ chức tập huấn và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ cam kết, có thể thấy chuyển biến mạnh trong lực lượng CSGT. Ở các giao lộ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ có chuyển biến, tiếp xúc với dân hài hòa, nhã nhặn. 

Bên cạnh vất vả khó khăn trong đảm bảo giao thông, chúng tôi và lực lượng chức năng khác gặp phải sự chống đối, chống người thi hành công vụ. Qua phân tích từng vụ việc cụ thể, chúng tôi thấy có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về chủ quan, cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ tuy nhiên ứng xử còn quá "cứng nhắc", vô hình trung dẫn đến phản ứng của người dân.

Về khách quan, hầu hết vụ việc liên quan đến chống người thi hành công vụ xuất phát từ sự phản ứng của người dân. Ban đầu chỉ là những vi phạm hành chính thông thường tuy nhiên trong quá trình xử lý, do ý thức của mỗi người dân và bản tính cá nhân dẫn đến việc chống người thi hành công vụ.

Cá biệt, một số trường hợp chống người thi hành công vụ do sử dụng chất kích thích hoặc nồng độ cồn. Ở mức cao hơn, người vi phạm còn sử dụng công cụ, vật dụng để chống đối gây thương tích đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Trước thực trạng này, chúng tôi nhận thức rõ từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi có ngồi lại với các cơ quan chức năng, tham mưu các lực lượng để rút kinh nghiệm và đánh giá. Trong đó, những chuyên đề phức tạp như xử lý nồng độ cồn, chúng tôi chọn cán bộ chiến sĩ văn hóa ứng xử tốt, nghiệp vụ vững để hạn chế thấp nhất những trường hợp chống người thi hành công vụ.

Trong mọi trường hợp, xảy ra tình huống chống người thi hành công vụ phải thông tin kịp thời về lãnh đạo đơn vị để kịp thời hỗ trợ, hạn chế thương vong, thiệt hại cho cán bộ chiến sĩ nói chung và cho người vi phạm nói riêng.

VOH: Cảm ơn ông!