Thí điểm tiêm chủng sởi ngay tại các bệnh viện chuyên khoa nhi

(VOH) - Từ 5 đến 20% tỷ lệ trẻ chưa tiêm sởi mũi 1 và mũi 2 là những nguyên nhân chính khiến sởi vẫn chưa hạ nhiệt.

Trước tình trạng vùng trũng trong công tác tiêm chủng, luôn còn khoảng dao động từ 5 đến 20% tỷ lệ trẻ chưa tiêm sởi mũi 1 và mũi 2 là những nguyên nhân chính khiến sởi vẫn chưa hạ nhiệt, ngành y tế thành phố đang đối mặt với nhiều nỗi lo, trong khi sốt xuất huyết vẫn đang phức tạp.

Báo cáo từ Sở Y tế Thành phố, hiện nay, tỷ lệ tiêm sởi tại TPHCM ước đạt 96% mũi thứ 1 và 80% mũi thứ 2. Tỷ lệ này còn cách khá xa so với mục tiêu đạt 95% độ bao phủ tiêm chủng đối với bệnh sởi.

Thí điểm tiêm chủng sởi ngay tại các bệnh viện chuyên khoa nhi

Bộ trưởng Bộ Y tế đến thăm bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM.

Theo chỉ đạo của Bộ, ngành y tế thành phố cũng đã thực hiện chiến dịch bổ sung tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi cho khoảng 300.000 trẻ trong độ tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa rõ lịch sử tiêm chủng. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai tích cực, độ bao phủ vắc-xin này của thành phố cũng mới chỉ đạt 85%.

Tại các trạm y tế - điểm tiêm chính trong chương trình tiêm chủng mở rộng, theo ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP, việc cập nhật danh sách trẻ thời gian qua cũng còn chưa đầy đủ.

"Cách thức trước đây trạm y tế thực hiện đó là cầm chừng số trẻ đến khám tại trạm y tế, rồi thông qua các tổ dân phố điều tra để có số trẻ ước lượng, sau khi có phần mềm tiêm chủng thì đã nhập vào và có một danh sách cơ bản. Trên cơ sở đó có thể chưa chính xác. Các trạm y tế sẽ điều tra thực tế để bổ sung thêm nhưng thực tế cũng là hạn chế trong thời gian, qua đó là có làm nhưng chưa mạnh, chưa quyết liệt trong phối hợp với các ngành như là công an, rồi phường để làm sao có danh sách các trẻ đầy đủ nhất đặc biệt đó là các trường mầm non, khi mà trạm y tế làm việc tại các trường ngoài công lập thì tỷ lệ trẻ chưa tiêm còn khá nhiều", ông Hưng cho biết thêm.

Từ vũng trũng tiêm chủng khiến tỷ lệ trẻ chưa tiêm qua các năm tích lũy cao, làm cho sởi phát sinh phức tạp, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng -  Bộ Y tế nói: "Chiến dịch là để tìm tất cả các đối tượng để tiêm, không bỏ sót trẻ, quan trọng nhất vẫn là tìm được trẻ chưa tiêm. Còn nếu báo cáo đạt 95% thì vẫn bỏ sót một số trẻ chưa tiêm thì dịch thực tế vẫn bùng ra".

Trước tình hình dịch sởi vẫn còn diễn biến phức tạp do chưa bao phủ vắc-xin sởi, ngành y tế thành phố đã đưa ra những giải pháp cụ thể như sẽ tiến tới lập các đội tiêm chủng lưu động, tìm mọi cách vá lỗ hổng đang tồn tại trong tiêm chủng, sớm ngăn chặn dịch sởi lây lan. Đồng thời, Sở Y tế sẽ triển khai thí điểm thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi ngay tại bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho tất cả trẻ dưới 5 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sởi trước khi xuất viện, tổ chức sơ kết đánh giá sau 6 tháng thí điểm và nhân rộng đến các bệnh viện còn lại trên địa bàn thành phố.

Trong điều trị, các bệnh viện thực hiện khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo, phát hiện càng sớm các triệu chứng của sởi càng có hiệu quả trong việc giảm thiểu lây lan.

Muốn kiểm soát lây lan hiệu quả, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 thì cần phải huấn luyện, cập nhật cho bác sĩ phát hiện sớm ngay khi trẻ bắt đầu có triệu chứng sốt, ho rất quan trọng. Hiện nay, theo bác sĩ Khanh, có một số đối tượng vì mang bệnh nền, tim bẩm sinh rất dễ tử vong nếu mắc sởi.

 "Hiện nay có một số đối tượng bị bệnh có nguy cơ tử vong, đó là trẻ mắc tim bẩm sinh hay bệnh nền, vì những trẻ này không ai dám chích ngừa hết mà trẻ bệnh hoài phải vào bệnh viện, mà khi bệnh viện có dịch sởi thì trẻ sẽ bị liền. Do vậy, chuyện chích ngừa bệnh viện phải lo cho nhóm đối tượng này vì thực tế với những trẻ này ở trạm cũng không dám chích. Thật ra chỉ có nhóm này dễ tử vong khi mắc sởi còn một trẻ nhỏ miễn dịch bình thường phát hiện sớm bệnh thì rất ít khi tử vong. Đợt dịch này không bị sởi thì đợt dịch khác cũng bị, thành ra chúng ta phải giải quyết được lỗ hổng này", bác sĩ Khanh đề nghị.

Tại buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng chống sởi tại TPHCM cụ thể tại trạm y tế phường 15 - quận 8, rồi đến bệnh viện Nhi đồng 1 và sau cùng là buổi làm việc với Sở Y tế TP, đúc kết lại những vấn đề cần lưu ý trong phòng ngừa sởi tại TPHCM nói riêng cũng như các tỉnh, thành nói chung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có phát biểu: "Tôi nghĩ cơ bản phải cả hai phía chính quyền và người dân. Về y tế thì chính quyền phải quan tâm quyết liệt hơn từ ủy ban nhân dân phường, quận - huyện đến thành phố phải quyết tâm chỉ đạo và có giải pháp mạnh mẽ cứng rắn. Cả giải pháp truyền thông lẫn giải pháp từ dân phố đến phường phải quản lý đối tượng tiêm, khi xảy ra những đối tượng tại sao không đi tiêm để mắc bệnh thì phường và y tế phường có trách nhiệm trong đó.

Ngoài ra, người dân phải nâng cao ý thức, phải nhận thức việc tiêm sởi rất là an toàn. Không tiêm lúc này thì lớn lên cháu sẽ mắc bệnh và khi trở thành người mẹ cũng bị mắc sởi và khi người mẹ mắc sởi thì con của họ không có kháng thể cũng sẽ bị lây bệnh sởi. Đứa trẻ đó mắc bệnh ngay cả từ lúc bé không đợi đến 9 tháng tuổi. Vấn đề này cần truyền thông rõ.

Tóm lại, tiêm sởi để vừa bảo vệ cho trẻ, cũng vừa để bảo vệ cho con họ khi đứa trẻ này lớn lên lập gia đình sinh con. Giải pháp cơ bản vẫn phải là tiêm phòng, tiêm mọi lứa tuổi từ 9 tháng tuổi, 12 tháng tuổi, trên 1 đến 5 tuổi. Ngành y tế đã tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, từ tiêm trong độ tuổi, tiêm trong chiến dịch, tiêm vét, truyền thông vấn đề này đã rất mạnh mẽ và chính quyền địa phương phải vào cuộc còn nếu một mình ngành y tế không thể nào đạt kết quả tốt. Nếu như bệnh sởi kèm theo những bệnh khác hoặc lây cho những trẻ đang bị các bệnh như là viêm phổi, viêm màng não, tay chân miệng, sốt xuất huyết thì nguy cơ tử vong rất lớn".