TPHCM ban hành kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A (H7N9)

(VOH) - UBND TP vừa ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A (H7N9) tại TPHCM nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm này gây ra.

Theo đó, TP đưa ra các mục tiêu và hoạt động cụ thể theo 4 tình huống dịch: chưa có trường hợp bệnh trên người; có các trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; dịch bùng phát ra cộng đồng.

Sở Y tế được giao tham mưu UBND TP thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; lập kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H7N9) của TP cụ thể theo từng giai đoạn diễn biến của dịch; phối hợp với UBND các quận-huyện tăng cường hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm tại địa phương; chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, máy móc trang thiết bị, vật tư chuyên dụng, trang bị bảo hộ, khu vực cách ly và nhân lực để đối phó với dịch; lập đoàn kiểm tra để hướng dẫn, giám sát công tác chuẩn bị phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế trên địa bàn...

Ảnh minh họa: TTO

Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành về An toàn thực phẩm của TP và quận, huyện; tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn…; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cập nhật thông tin và kịp thời phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh trên động vật và người mắc bệnh lây lan từ động vật; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng; tổ chức chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị truyền thông trong việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống dịch bệnh cúm A(H7N9) ở người.

Sở Công Thương chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch cúm gia cầm của TP và quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, khám xét và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm quả tang tồn trữ gia cầm, sản phẩm gia cầm sống trái phép.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; tình hình chấp hành các quy định trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh tại trạm đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, các chợ và điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm; giám sát việc chấp hành các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung và các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào TP.

UBND các quận-huyện xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý, tịch thu và tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc; kiên quyết xử phạt, tịch thu, tiêu hủy gia cầm sống được nuôi, bày bán vận chuyển trái phép trên địa bàn; huy động sự tham gia của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và MTTQ trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H7N9) có hiệu quả...