TPHCM đẩy mạnh “Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch”

(VOH) - Trong buổi đối thoại cùng chính quyền Thành phố sáng 23/2, cử tri mong muốn ngày càng lan tỏa hơn nữa cuộc vận động này góp phần cải thiện môi trường Thành phố ngày càng tốt hơn.

Trong buổi đối thoại cùng chính quyền Thành phố, chương trình đã nhận được nhiều ý kiến của thính giả, cử tri mong muốn ngày càng lan tỏa hơn nữa cuộc vận động này góp phần cải thiện môi trường Thành phố ngày càng tốt hơn.

Phần lớn người dân Thành phố hiện nay đã và đang hưởng ứng tích cực “Cuộc vận động Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Khách mời buổi trực tiếp đối thoại cùng chính quyền TPHCM vào sáng 23/2. Ảnh: Khiêm Huân

Khách mời buổi trực tiếp đối thoại cùng chính quyền TPHCM vào sáng 23/2. Ảnh: Khiêm Huân

Từ cuối tháng 10/2018 đến nay, 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã đồng loạt hưởng ứng “Cuộc vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM phát động. Bằng nhiều hiều hình tức tuyên truyền, vận động khác nhau, từng địa phương, ban ngành, đoàn thể của Thành phố đã xây dựng riêng những chương trình, kế hoạch phù hợp với đơn vị, địa phương của mình  và đã có kết quả nhất định.

Theo ông Châu Hoàng Thanh, Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM, thì cuộc vận động bước đầu đã có chuyển biến khá tốt. Ông Thanh cho biết từ ngày phát động đến nay đã có một số kết quả: Mô hình tổ tự quản, phong trào 15 phút vì  thành phố sạch, an toàn, trao tặng thùng rác, xây dựng khu phố không rác…

Trên thực tế các thính giả tham gia chương trình cũng cảm nhận được sự thay đổi nhiều xung quanh nơi mình cư trú. Nhưng theo ông Lâm Anh Tuấn, cử tri Phường 9, Quận Tân Bình cần duy trì và kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính quyền địa phương. "Qua thực hiện đã có những biểu hiện tốt, cần duy trì, phối hợp lâu dài. Tôi thấy đã lắp đặt camera nên cần xử phạt để bảo vệ môi trường TP", ông Tuấn nói.

Hơn ai hết với các công nhân vệ sinh môi trường là những người cảm nhận rõ nhất từ sự thay đổi của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị, không vứt rác bừa bãi kể từ khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP phát động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình, người có hơn 20 năm làm nghề thu gom rác tại Quận Thủ Đức thì các ngành chức năng cũng cần kết hợp giữa tuyên truyền và chế tài xử phạt để hiệu quả đạt được cao hơn. “Tôi thấy có cải thiện, người dân mình cũng có ý thức. Cần tăng cường xử phạt để nâng cao ý thức, tránh vứt rác bưa bãi”, ông Bình đề nghị.

Từ những kết quả khả quan ban đầu sau đợt phát động “cuộc vận động Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, với góc độ là cơ quan quản lý về môi trường của Thành phố, bà Nguyễn Thị Kim Mến, Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết trong năm 2019 này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động này bằng 1 số giải pháp cụ thể như tập trung tuyên truyền qua phối hợp Sở GDĐT triển khai mô hình trường học xanh; phối hợp sở ngành, quận, huyện tuyên truyền và thay đổi hành vi với các đối tượng cụ thể.

Cùng với các sở, ngành, địa phương, Hội đồng nhân dân TP cũng sẽ tăng cường công tác giám sát việc triển khai “cuộc vận động Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” để cuộc vận động thực sự phát huy hiệu quả và duy trì bền vững. Ông Phạm Hiếu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP cho biết, thời gian tới HĐND phối hợp các ban ngành tuyên truyền. Tăng cường giám sát công tác này ở các cơ quan ban, ngành. Xử lý tích cực phản ánh của người dân qua tin nhắn, thư điện tử về tình trạng xả rác.

Sau 4 tháng phát động “cuộc vận động Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” bước đầu đã có kết quả khá tốt. Tuy nhiên, về lâu dài theo bà con cử tri Thành phố các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn, linh hoạt trong cách tuyên truyền để đảm bảo 100% người dân tiếp cận được thông tin cuộc vận động. Về lâu dài thì chế tài xử phạt hành chính cũng là một trong những giải pháp cần nghĩ đến và áp dụng sau khi công tác tuyên truyền đã triển khai sâu rộng đến từng người dân để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ môi trường.