TPHCM: Người cao tuổi nêu gương sáng trong phát triển kinh tế

(VOH) - Sáng 17/8, Hội Người cao tuổi TPHCM tổ chức Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi 5 năm (2012-2017) và trao bằng khen cho 85 gương người cao tuổi tiêu biểu.

Với phương châm “Còn sức khỏe, còn tham gia lao động sản xuất”, phong trào thi đua người cao tuổi làm kinh tế giỏi đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, điển hình trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

TPHCM: Người cao tuổi nêu gương sáng trong phát triển kinh tế

Bà Phạm Thị Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Là doanh nhân tiêu biểu được tuyên dương lần này, bà Nguyễn Ngọc Thu - Tổng Giám đốc hệ thống làng nướng Nam Bộ, năm nay 67 tuổi, quản lý cùng lúc 9 hệ thống làng nướng Nam Bộ nhưng chưa bao giờ bà nhận mình là một doanh nhân thành đạt:

"Làm ngành nghề ăn uống rất gian nan. Tôi là người chế biến ra những thức ăn của Nam bộ. Trong quá trình làm cũng khó khăn, gian nan và vất vả. Giờ tuổi đã cao, sức cũng yếu đi. Nhưng làm thì phải có tâm huyết, bỏ hết sức lao động, trí tuệ của mình để làm sao món ăn phong phú và ngon thì thực khách đến họ mới hài lòng".

Bà Nguyễn Thị Kim Quy, Phó Trưởng ban đại diện Người cao tuổi Quận Tân Phú cho biết, nhiều năm qua, bà Thu luôn âm thầm giúp đỡ người nghèo trong và ngoài nước nhưng bà không thích phô trương việc làm của mình:

"Bản thân tôi tham gia hoạt động xã hội rất tích cực, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động. Mỗi năm, tôi ủng hộ 1 tỷ đồng để làm công tác xã hội. Bản thân được tặng Huân chương lao động hạng III, được nước Campuchia tặng bằng khen về hoạt động từ thiện trên nước bạn".

Cùng được tuyên dương lần này, ông Tống Hữu Châu, chủ trang trại nuôi cá cảnh ở phường Thạnh Xuân (quận 12) là một trong 5 chủ trang trại nuôi cá cảnh được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh xuất khẩu cá chép Koi sang Hoa kỳ, có thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ông Châu còn truyền đạt và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá cảnh cho hơn 30 hộ nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao:

"Mình có thu nhập rồi thì giúp cho cộng đồng xã hội, truyền đạt vốn kiến thức, hiểu biết của mình cho nhiều nông dân khác. Từ đó, những người tuổi cao vẫn có thể làm kinh tế, một phần cho bảnthâ. Tôi nghĩ cuộc sống của người lớn tuổi nếu càng không lệ thuộc vào con cái khi mình còn làm việc, thì đó là một ước mơ".

Tại hội nghị, bà Phạm Thị Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam biểu dương những thành tích xuất sắc của người cao tuổi trong phong trào thi đua “Tuổi cao nêu gương sáng” làm kinh tế giỏi đã đạt nhiều kết quả quan trọng:

"Tôi thật sự khâm phục trước phong trào người cao làm kinh tế giỏi của TPHCM trên các lĩnh vực sản xuất. Suốt 5 năm qua, các cụ đã tích cực và có những gia đình khá cũng tạo điều kiện giúp vốn cho vay xoay vòng và tập trung khai thác mọi tiềm năng về đất đai, tài nguyên, lao động tại chỗ gắn với phát huy kiến thức kinh nghiệm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới để đẩy mạnh phát triển các ngành nghề phù hợp với khả năng truyền thống lao động của địa phương, góp phần cho an sinh xã hội của thành phố".

Bà Phạm Thị Sơn đề nghị thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế giỏi; tuyên truyền và nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để phong trào phát triển, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.