TPHCM nỗ lực để đạt chỉ tiêu thu ngân sách

(VOH) - Đến nay, các số thu của TPHCM đều tăng nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu do số thu của thành phố Hồ Chí Minh được giao quá cao.

So sánh dự toán thu ngân sách Nhà nước của 4 thành phố trực thuộc trung ương tại kỳ họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới đây, bà Lê Ngọc Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố cho biết, đến nay, các số thu của Thành phố đều tăng nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu do số thu của thành phố Hồ Chí Minh được giao quá cao.

chỉ tiêu thu ngân sách, ngân sách, TPHCM

Bà Lê Ngọc Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố: Ảnh: TTO

Dẫn chứng điều này, bà Lê Ngọc Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố nêu: Số dự toán thu ngân sách năm 2019 của thành phố Hồ Chí Minh cao gấp 1 lần rưỡi so với dự toán thu ngân sách của Hà Nội, gấp 6,2 lần so với Hải Phòng, gấp 14,58 lần so với Đà Nẵng và gấp 35,47 lần so với Cần Thơ. Tính chung, dự toán thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu của 4 thành phố trực thuộc trung ương còn lại. Điều này cho thấy số giao dự toán thu ngân sách của TPHCM đang có sự chênh lệch khá lớn so với các thành phố trực thuộc khác.

Bà Trang cho rằng, đây là con số quá cao, vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn Thành phố. Trong khi đó, hiện 1% dự toán thu ngân sách thành phố Hồ Chí Minh đã tương đương 4.000 tỉ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 193.000 tỷ đồng, đạt hơn 48% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt trên 37.000 tỉ đồng, chiếm 43% dự toán và giảm gần 11% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt hơn 66% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 55% so dự toán. “Về thu nội địa gần 122 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 44% dự toán và tăng 2,17% so với cùng kỳ. Về thu nội địa trừ thu tiền sử dụng đất đạt hơn 118 ngàn tỷ đồng, đạt trên 45% dự toán và tăng 7,5% so với cùng kỳ”, bà Trang thông tin thêm.

Ngay từ đầu năm thành phố Hồ Chí Minh, dù đã nỗ lực hỗ trợ nguồn thu từ khu vực kinh tế, kết quả thu có tăng hơn 8% so với cùng kỳ nhưng vẫn không đạt dự toán được giao do số giao trong năm 2019 ở mức thu khu vực kinh tế tăng đến hơn 21%.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết: “Sở sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh các chương trình mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc 7 chương trình đột phá, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ ưu tiên của thành phố, các dự án thuộc đề án đô thị thông minh; chủ động gặp gỡ thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới mạnh về tài chính và có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường đầu tư tại thành phố”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng như đề ra, trong 6 tháng cuối năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố phải tăng ít nhất trên 8%. “Sở Tài chính đánh giá lại tình hình sử dụng ngân sách thành phố và định hướng lại cơ cấu chi ngân sách cho giai đoạn tiếp theo, đề án sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công, giao quyền tự chủ một số lĩnh vực và phối hợp với Cục Quản lý Công sản, xây dựng đề án sắp xếp lại các đơn vị sở hữu Nhà nước của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, khoảng 2.000 địa chỉ, hiện nay các cơ quan, các bộ sử dụng rất lãng phí”, ông Phong đề nghị.

Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung 2 giải pháp chủ yếu để hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, đó là: quản lý khai thác nguồn thu ngân sách, tăng cường công tác đôn đốc thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại; thu hút thêm các nguồn lực ngoài nước, khuyến khích thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên quyết điều chỉnh vốn đối với các dự án giải ngân thấp.