TPHCM sắp hiện thực hóa mô hình “thành phố trong thành phố”, tạo động lực tăng trưởng mới

(VOH) - Đại diện đến từ Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội nói, đây là điểm mới sáng tạo đi đầu của Thành phố, nơi đầu tiên đề xuất chủ trương thành lập thành phố trong thành phố.

Sáng 31/10, Đoàn công tác Trung ương do ông Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về góp ý Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2020.

Quang cảnh cuộc họp

TPHCM có 24 quận, huyện, 322 phường, xã, thị trấn. Sau khi sắp xếp tổ chức lại còn 21 quận-huyện, 1 thành phố, 312 phường/xã/thị trấn. So với hiện nay thì giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 10 đơn vị hành chính cấp xã. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, TPHCM đã tiến hành khảo sát, đánh giá nhiều chiều, tổ chức nhiều cuộc họp, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, phản biện của cơ quan Trung ương, sở/ban/ngành, chuyên gia, nhà khoa học. Thành phố đã tập trung truyên truyền đề án từ ngày 17/9/2020 đến 2/10/2020 trên địa bàn của 51 phường thuộc 8 quận. Đồng thời liên tục đăng tin trên các phương tiện thông tin. Thành phố đã lấy ý kiến cử tri của 51 phường thuộc 8 quận từ ngày 3 – 5/10/2020 đối với đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, có 82% cử tri bỏ phiếu tán thành. Trong đó 75% cử tri thống nhất với tên gọi thành phố Thủ Đức, hoặc thành phố Đông Sài Gòn... Còn một số ý kiến đề nghị đặt tên hành chính là thành phố Thủ Thiêm…

Lãnh đạo thành phố cho hay, Thành phố đã làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ, xin chủ trương về tên gọi hành chính theo ý kiến số đông cử tri là thành phố Thủ Đức. Đối với việc sắp xếp 19 phường, có 81% cử tri thống nhất, trong đó 72% thống nhất tên gọi hành chính cấp xã sau khi sắp xếp. Thành phố đăng tải công khai ý kiến cử tri trên cổng thông tin điện tử của Thành phố từ ngày 10/10 và Cổng thông tin điện tử Chính phủ từ ngày 14/10/2020.

Dựa trên kết quả ý kiến cử tri và đề xuất của TPHCM, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 60 ngày 12/10/2020 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TPHCM giai đoạn 2019-2021. Thành phố đã có tờ trình 4038 ngày 20/10/2020 trình Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TPHCM giai đoạn 2019-2021.

Ngoài việc sắp xếp 19 phường chưa đạt tiêu chuẩn về dân số, diện tích tự nhiên theo quy định thì trọng tâm của đề án nêu trên là thành lập thành phố Thủ Đức. Một nội dung mà thành phố ấp ủ nhiều năm, mô hình “thành phố trong thành phố”, với mục tiêu là giúp nơi đây trở thành hạt nhân và động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định, việc thành lập thành phố Thủ Đức là tái lập lại huyện Thủ Đức ngày xưa - huyện Thủ Đức tách thành quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Với ba trụ cột, trung tâm tài chính Thủ Thiêm tại quận 2, Khu công nghệ cao (quận 9) và Đại học Quốc gia TPHCM cùng hệ thống nhiều trường đại học khác (quận Thủ Đức). TPHCM đã tổ chức thi tuyển quốc tế với 6 nhóm thiết kế, tuyển chọn một ý tưởng quy hoạch thành phố Thủ Đức. Dự kiến đầu năm 2021 Thành phố sẽ mời gọi đầu tư. “Việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Việc thành lập thành phố Thủ Đức dựa trên không gian khu đô thị sáng tạo, tương tác phía Đông thành phố. Với ba trụ cột như vậy, thành phố Thủ Đức sẽ có tính tương tác cao, phát huy hiệu quả của khu đô thị phía Đông”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Góp ý cho đề án, đại diện Bộ Xây dựng đặt ra vấn đề, TPHCM có trình Chính phủ một đề án đề nghị thành phố Thủ Đức trở thành đô thị loại 1 hoặc đạt tiêu chí đô thị loại 1 hay không? Cho đến thời điểm này, Bộ Xây dựng chưa nhận được bất kỳ văn bản nào đánh giá chất lượng đô thị ở những địa bàn chuẩn bị sáp nhập theo đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Do vậy TPHCM cần nhanh chóng bổ sung các căn cứ pháp lý liên quan. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa giới hành chính của thành phố Thủ Đức gần như bao bọc khép kín bởi các sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn thì đặt ra giải pháp, quy hoạch xử lý môi trường và nước thải trên sông, vấn đề này chưa thấy nêu chi tiết trong đề án. “Xử lý các vấn đề về môi trường, và nước thải khu vực trên sông này cũng cần có giải pháp trong đề án, cũng cần đưa ra quy hoạch để xử lý vấn đề này như thế nào trong đề án. Thứ hai lập quy hoạch đất và các quỹ đất từ 3 quận này lên thành phố thì có những thay đổi, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường có kiểm kê đất đai và quy hoạch sử dụng đất đai thành phố cần bổ sung thêm”- ông Phạm Tiến Dũng đề nghị.

Đại diện Bộ Quốc phòng thì cho rằng, vị trí thành phố Thủ Đức đầu mối giao thông rất quan trọng cả đường bộ, đường thủy. Trong tương lai xây dựng thế trận phòng thủ thì giữ được thành phố Thủ Đức là giữ được TPHCM. Do vậy Bộ Quốc phòng hết sức coi trọng quan điểm thành lập thành phố Thủ Đức để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho thành phố và cả nước nhưng phải củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh. Đó là nguyên tắc đầu tiên. Quy hoạch khu đô thị sáng tạo không ảnh hưởng đến các khu vực quân sự. Bộ Quốc phòng thống nhất cao đề án thành lập thành phố Thủ Đức.

Theo đại diện đến từ Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội, đây là điểm mới sáng tạo đi đầu của Thành phố, nơi đầu tiên đề xuất chủ trương thành lập thành phố trong thành phố. Đồng tình với ý kiến của Bộ Tư pháp, đề án chưa nêu rõ quyền hạn của bộ máy chính quyền của thành phố trong thành phố. Sắp tới đây Quốc hội bỏ phiếu thông qua Đề án tổ chức chính quyền đô thị, vậy thì TPHCM phải có đề xuất ngay, để nếu có thể kịp đưa luôn vào Nghị quyết của Quốc hội là thuận lợi nhất.

Sau khi sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức thì theo đề án sẽ dôi dư hơn 300 công chức và sau 5 năm mới sắp xếp xong công tác cán bộ. Vị này đề nghị TPHCM đẩy nhanh làm sao trong năm 2021 hoặc chậm nhất trong năm 2022 phải sắp xếp xong, giải quyết xong số cán bộ công chức dôi dư.

Về thành phố Thủ Đức, có ý kiến đề xuất bổ sung thêm quy định mới về thẩm quyền của thành phố mới, phải có gì khác so với các quận hiện tại, có khác mới tạo ra đột phá, còn nếu không có gì khác thì rất khó. Phải bổ sung làm rõ quyền, trách nhiệm của chính quyền thành phố Thủ Đức. Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Trần Anh Tuấn khẳng định: “Tên của thành phố Thủ Đức thì cơ bản thống nhất, tán thành. Chúng ta cần luận giải thêm về quy trình thủ tục, thứ hai là cơ sở về mặt lịch sử. Chúng ta thành lập thành phố Thủ Đức cũng là giữ nguyên quá trình phát triển trước đây, bây giờ khi cần thành lập thành phố động lực, thành phố thông minh, sáng tạo tạo điều kiện để TPHCM tiếp tục phát triển. TPHCM rất tự hào là thành phố mang tên Bác. Bác Hồ trong công tác cán bộ vẫn lựa chọn cán bộ phải lấy “đức” làm gốc. Thế thì tên thành phố Thủ Đức tức là TPHCM vẫn lấy tư tưởng Bác Hồ là lấy “đức” làm đầu, lấy đức mà phải “thủ”, giữ được “đức”.

Một vấn đề rất quan trọng theo ông Trần Anh Tuấn là chú ý phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức ở 19 phường cũng như ở 3 quận sáp nhập; phương án sắp xếp, giải quyết với đội ngũ cán bộ công chức dôi dư để đảm bảo sự ổn định và tính liên tục của bộ máy, của nền hành chính trên địa bàn cũng như công tác tư tưởng cho cán bộ, lộ trình giải quyết trong năm 2021.

Ngoài ra, trước mắt nên giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp công lập ở 19 phường và 3 quận sáp nhập, sau khi ổn định bộ máy chính quyền ở các đơn vị hành chính cấp quận, phường thì tính đến sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì nhiệm vụ của các đơn vị này là phục vụ các yêu cầu của người dân một cách kịp thời, đáp ứng sự hài lòng của người dân, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục. Nếu sắp xếp ngay các đơn vị hành chính sự nghiệp sẽ đòi hỏi một quá trình dài, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phục vụ nhu cầu của người dân.