TPHCM: Ưu tiên phát triển trường lớp đạt chuẩn

(VOH) - Tính đến tháng 5/2017, thành phố đã đạt 259 phòng học/10 ngàn dân. Để đạt mức 300 phòng học/10 ngàn dân vào năm 2020 theo Nghị quyết của thành phố, ngành giáo dục phải triển khai thêm 722 dự án với hơn 12 ngàn phòng học, dự kiến kinh phí trên 55 ngàn tỷ đồng.

Đây là thông tin được đưa ra trong buổi giám sát của Ban Văn hoá- Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố về tình hình triển khai tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố, vừa diễn ra sáng 6/6.

Trung bình mỗi năm thành phố tăng thêm khoảng 60 ngàn học sinh trên tất cả các cấp học phổ thông, tập trung nhiều ở các quận, huyện vùng ven. Tỷ lệ học sinh các cấp không có hộ khẩu thành phố thường ở mức cao, trên 20% với khối mầm non và tiểu học, 12 đến 14% ở khối THPT và THCS. Mặc dù vậy, thành phố vẫn luôn đảm bảo 100%  con em cư trú trên địa bàn có chỗ học.

Thống kê, hiện nay khoảng 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, để đáp ứng theo yêu cầu dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, tất cả các em đều được học 2 buổi/ngày, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, cho rằng cần sự chung tay của toàn xã hội.

Ảnh minh họa. 

"Các khu công nghiệp, các khu đô thị mới khi xây dựng cần phải có quy hoạch về trường học. Hiện nay nhiều khu đô thị mới ở nội thành mọc lên sẽ quy tập cả ngàn hộ dân nhưng mà trường học không có. Đó là một gánh nặng của các quận huyện. Yêu cầu các quận huyện, nhất là quận huyện nội thành,  thêm trường thì không có đất, xây dựng chung cư nhà cao tầng thì lại có. Do đó, đề nghị thành phố phải có quy hoạch, khi yêu cầu mở rộng để có hộ dân thì đi đôi là phải có trường học" - ông Nguyễn Quang Vinh đề nghị.

Theo ông Huỳnh Thái Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố luôn ưu tiên bố trí quỹ đất cho giáo dục. Hiện nay thành phố có khoảng 2.000 hecta đất dành cho giáo dục. Đến 2020 tổng quỹ đất này dự kiến sẽ hơn 5.000 hecta, chiếm hơn 1% tổng quỹ đất thành phố.

Ông Huỳnh Thái Ngọc thông tin: "Chỉ tiêu này là tương đối cao so với quỹ đất thành phố. Quỹ đất này được giữ nghiêm ngặt không cho chuyển sang bất kỳ loại đất nào khác, chỉ để làm giáo dục. Hiện nay ưu tiên phát triển các trường lớp đạt chuẩn theo quy định nên với các huyện ngoại thành diện tích đất giáo dục tăng lên rất cao để đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục và đáp ứng cho cho chỉ tiêu dân số phát triển sau này."

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy, để sử dụng hiệu quả tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị, ngành giáo dục cần rà soát, đưa ra quy định cụ thể. Tránh để trường hợp trang thiết bị đầu tư nhưng không được sử dụng hiểu quả.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, trường Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND thành phố cho biết, hiện thành phố có hơn 280 ngàn công nhân người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, việc đáp ứng yêu cầu trường lớp ở những địa bàn này vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài những chính sách hỗ trợ của thành phố, bà Thi Thị Tuyết Nhung cũng yêu cầu ngành giáo dục quan tâm đến chương trình dạy, hỗ trợ giáo viên dạy tốt, đặc biệt trước áp lực sỉ số lớp cao như tại một số nơi như hiện nay.