Trạm y tế thứ hai trên địa bàn quận Tân Phú chính thức chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

(VOH) - Sau trạm y tế phường Tân Quý, trạm y tế phường Phú Thọ Hòa là trạm thứ hai của quận Tân Phú đã chính thức chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Tính đến ngày 11/11/2020, TPHCM đã có 26 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Năm 2019, trạm y tế phường Tân Quý là trạm y tế đầu tiên của quận Tân Phú chính thức đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Kể từ đó, trạm y tế này đã tạo dựng được niềm tin và thu hút người dân đến với trạm để khám chữa bệnh ban đầu, cho đến nay, trung bình hàng tháng có khoảng trên 800 lượt người dân đến trạm y tế phường Tân Quý để khám, chữa bệnh ban đầu.

Tiếp nối phường Tân Quý, Trung tâm Y tế quận Tân Phú đã chọn phường Phú Thọ Hòa nằm ở trung tâm của quận, là 1 trong 4 phường có mật độ dân cư đông (trên 50.000 dân) để tiếp tục lộ trình chuyển đổi hoạt động của các trạm y tế phường theo nguyên lý y học gia đình.

Với nguồn ngân sách phân bổ ưu tiên cho hoạt động đổi mới hoạt động của trạm y tế, cơ sở hạ tầng của trạm đã được cải tạo, sửa chữa nâng cấp khang trang, các trang thiết bị thiết yếu đã được bổ sung như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm theo đúng quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành của một trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

trạm y tế phường Phú Thọ Hòa
Lãnh đạo quận Tân Phú và lãnh đạo Sở Y tế cắt băng ra mắt trạm y tế phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú chính thức hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình (11/11/2020)

Trạm y tế phường Phú Thọ Hoà có 08 nhân viên y tế với 02 bác sĩ đa khoa cơ hữu, ngoài ra, Trung tâm Y tế còn cử 01 bác sĩ Nội tổng quát tăng cường hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh vào các buổi sáng có tiêm ngừa tại trạm. Điều đáng ghi nhận về nỗ lực của Trung tâm y tế quận Tân Phú khi thực hiện mục tiêu “một điểm dừng” khi triển khai chuyển đổi hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, Trung tâm Y tế đã phân công 1 kỹ thuật viên xét nghiệm chuyên trách đi nhận mẫu bệnh phẩm trực tiếp ngay tại trạm và chuyển về phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế để thực hiện và trả ngay kết quả.

Bên cạnh đó, theo sự phân công của Sở Y tế, các bác sĩ của trạm y tế phường Phú Thọ Hòa còn nhận được sự hỗ trợ tư vấn chuyên môn từ xa qua “app hội chẩn” với các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện Trưng Vương, bệnh viện Nhi đồng Thành phố, và các bệnh viện chuyên khoa khác.

Định hướng phát triển tiếp theo đối với các trạm y tế điểm đã chính thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, PGS TS BS Tăng Chí Thượng – PGĐ Sở Y tế đã chỉ đạo:

(1) Trung tâm Y tế và bệnh viện quận Tân Phú tiếp tục đẩy mạnh hợp đồng trách nhiệm đã được ký kết về triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trạm y tế, trong đó, lưu ý triển khai hoạt động “luân phiên bác sĩ 2 chiều”, cụ thể là: bác sĩ của trạm được luân phiên lên bệnh viện quận để được nâng cao tay nghề, và ngược lại, bác sĩ của bệnh viện quận và Trung tâm y tế được luân phiên xuống trạm y tế để thêm trải nghiệm trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn trong công tác khám, chữa bệnh mạn tính cho người dân trong địa bàn quận; 

(2) Nghiên cứu, học tập và đăng ký triển khai thử nghiệm khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi mắc các bệnh tăng huyết áp và tiểu đường theo mô hình của Trung tâm y tế quận Gò Vấp đã được Sở Y tế đánh giá cao và đã giới thiệu nhân rộng trong toàn ngành vì mô hình này đã làm tăng thêm giá trị cho hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại của trạm y tế, góp phần làm tăng sự hài lòng của người dân đối với công tác chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn phường; 

(3) Trung tâm y tế quận Tân Phú và 2 trạm y tế điểm (Tân Quý và Phú Thọ Hoà) sẵn sàng triển khai một hoạt động mới mang ý nghĩa rất quan trọng cho việc chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đó là lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cho mỗi người dân trên địa bàn phường. Đây là công việc đòi hỏi nhiều công sức, cả về thời gian và nguồn lực, nhưng sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả người dân và cho cả trạm y tế trong công tác quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn, cụ thể là: với nguồn dữ liệu lớn về sức khoẻ của người dân sẽ giúp nắm bắt những vấn đề ưu tiên cần đầu tư và triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu; với nguồn dữ liệu sức khoẻ đã được chuyển đổi số sẽ giúp kết nối và liên thông dữ liệu sức khoẻ của người bệnh giữa trạm y tế với bệnh viện và các cơ sở y tế khác,…