Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát các tuyến Metro tại TPHCM để gỡ vướng về vốn

(VOH) - Đoàn khảo sát trực tiếp tại Depot Long Bình, quận 9, tiếp đến là nhà ga Thủ Đức. Hiện hạng mục này đang lắp đường ray và mái vòm.

Sáng 25/6, Đoàn Ủy ban Kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm Trưởng đoàn, các Bộ, ngành Trung ương cùng Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi khảo sát thực tế về tiến độ Dự án đường sắt đô thị Thành phố tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương). 

Đoàn đã khảo sát tại Depot Long Bình, quận 9, tiếp đến là nhà ga Thủ Đức. Hiện hạng mục này đang lắp đường ray và mái vòm.  Đoàn cũng đến xem xét tiến độ tại nhà ga Ba Son và nhà ga Nhà hát Thành phố quận 1, sau đó đến nhà ga Bến Thành. Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết theo chương trình làm việc, đoàn của các Uỷ ban quốc hội khảo sát thực tế việc triển khai tuyến Metro số 1 và số 3a, đồng thời cũng làm việc với thành phố về tuyến số 2. Trên cơ sở đó, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành giữa Thành phố với các cơ quan Chính phủ phối với nhau để đảm bảo tiến độ giải ngân về các nguồn vốn của các dự án tuyến Metro TP.HCM cho phù hợp với Hiệp định vốn vay mà Chính phủ đã ký kết, phù hợp với tiến độ thực tế trên hiện trường.         

Đoàn khảo sát làm việc tại tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Đoàn khảo sát làm việc tại tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).

Hiện gói thầu số 1a, xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến nhà ga Nhà hát Thành phố có khối lượng thi công tổng thể đạt khoảng 40% khối lượng hợp đồng. Nhà thầu Liên danh Sumitomo Mitsui – Cienco 4 đang thi công khu vực này và hầm đào hở trên đường Lê Lợi. Gói thầu này đã hoàn thành phần tường dẫn và tường vây cho cả hai khu vực thi công.

Gói thầu 1b xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son có khối lượng thi công tổng thể đạt khoảng 61% khối lượng hợp đồng. Nhà thầu Liên danh Shimizu – Meada đang triển khai thi công tại ga Nhà hát Thành phố, ga Ba Son, hầm đào khoan TBM và hầm đào hở sau ga.

Ông Nobuyuki Kawai - Giám đốc dự án nhà thầu liên danh Shimizu – Maeda cho biết, hiện đường hầm bên dưới tháng 10 năm ngoái đã thi công xong. Cách đây hai tuần cũng đã hoàn thành đường hầm thứ hai. Dự kiến năm nay sẽ xong phần kết cấu của nhà ga Ba Son. Riêng ga Nhà hát Thành phố gần như đã xong, hiện tại đang hoàn thiện nội thất bên trong nhà ga. Tính từ thời điểm khởi công đến nay đã 4 năm, công trình này đạt trên 7 triệu giờ lao động an toàn.

"Về chất lượng công trình đạt yêu cầu, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia người Nhật thì các công nhân, kỹ sư Việt Nam đã làm việc rất nghiêm túc và chuyển giao các công nghệ kỹ thuật để xây dựng công trình ngầm. Tôi cũng hy vọng trong vòng 5 đến 10 năm tới, các công nhân, kỹ sư Việt Nam sẽ chính thức tự mình thực hiện các công trình ngầm của mình”, ông Nobuyuki Kawai nói.

Gói thầu đã hoàn thành thi công kết cấu chính của ga Nhà hát Thành phố. Hầm khoan đào TBM đã hoàn thành khoan và lắp vòng hầm cho ống hầm phía Đông gần 800 m. Hiện đang triển khai khởi động khoan đường hầm phía Tây.

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM, Nhà ga Bến Thành từ đây sẽ làm ga trung chuyển cho tuyến số 1, tuyến số 3a, tuyến số 2, 4. Cũng từ đây, tuyến số 1 sẽ thông thương với Nhà hát Thành phố. Đây là gói thầu cuối cùng quyết định sự hoàn thành của tuyến Metro số 1. Theo kế hoạch, Nhà ga Bến Thành sẽ thi công 4 tầng ngầm, tính đến thời điểm này, đã thi công được 42% kể từ thời điểm khởi công ngày 17/10/2016. 

“Tại đây, ở tầng trên cùng của đáy hầm dự định làm trung tâm thương mại nối Nhà hát Thành phố dài khoảng 500 mét, kết nối với các trung tâm thương mại ở tuyến Lê Lợi, xung quanh như: Vincom, Bitexco, SaiGon Centre… Nơi đây làm khác với nhà ga Ba Son khi làm đào hở”, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết

Tại khu vực nhà ga Thủ Đức, đường ray trên cao đã hình thành

Tại khu vực nhà ga Thủ Đức, đường ray trên cao đã hình thành

Gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài hơn 17 km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương có khối lượng thi công tổng thể đạt khoảng 74% khối lượng hợp đồng. Nhà thầu Liên danh Sumitomo – Cienco 6 thi công xong cầu cạn phần dầm U lắp ghép, đã hợp long 3/5 cầu đặc biệt và xong kết cấu bê tông cốt thép 11/11 nhà ga, đang sản xuất kết cấu mái thép và đang lắp đặt hoàn thành kết cấu mái thép 2 nhà ga Bình Thái và Khu Công nghệ cao.

Gói thầu số 3 mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng có khối lượng thi công tổng thể đạt khoảng 28% khối lượng hợp đồng. Dự kiến tháng 12/2018, vận chuyển đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam. Hiện các công đoạn sản xuất tà vẹt, đoạn trên cao đạt hơn 90%; lắp đặt ray, đoạn trên cao đạt khoảng 6%; đổ bê tông nền ray, đoạn trên cao đạt 1.600/34.200m…

Dự án đã triển khai thực hiện 3 hợp đồng xây lắp và 1 hợp đồng mua sắm thiết bị. Tổng tiến độ toàn dự án đạt hơn 50%... Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết thêm hiện nay theo nguyên tắc cơ chế làm việc, Thành phố không kiến nghị trực tiếp được với Quốc hội mà phải qua Chính phủ. Đây cũng là đợt đi cùng với các cơ quan của Chính phủ, trong đó có Bộ Giao thông và Bộ Kế hoạch Đầu tư.

"Chúng tôi sẽ tìm hiểu việc đội vốn của các dự án lên có thay đổi gì về kết cấu, hướng tuyến và chiều dài, công năng sử dụng của các nhà ga, từ đó dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án có sự điều chỉnh. Quốc hội đã có nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Để thực hiện Nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, thì các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đều có trách nhiệm phối hợp với TP.HCM để giải quyết công việc cho hiệu quả nhất”, ông Kiên thông tin.

Tuyến Metro số 1 có tổng chiều dài gần 20 km, gồm 2,6 km đi ngầm và hơn 17 km đi trên cao với 14 ga, gồm 3 ga ngầm, 11 ga trên cao và depot Long Bình, quận 9…

Theo chương trình, Đoàn Ủy ban Kinh tế Quốc hội các Bộ, ngành Trung ương làm việc với UBND TP.HCM về nội dung này vào chiều cùng ngày.