Vì Thành phố sạch, xanh và giảm ngập nước (kỳ 3)

(VOH) - Phong trào thi đua đang bước vào đợt ba có nhiều nội dung cụ thể, gắn với thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TPHCM.

TPHCM đang đi thực hiện phong trào thi đua 200 ngày chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đến nay, phong trào thi đua đang bước vào đợt ba có nhiều nội dung, từng nội dung có tiêu chí thi đua cụ thể, gắn với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của TPHCM. Rõ ràng nơi nào có sự quan tâm của các cấp ủy thì chất lượng chuyển biến rất rõ. Từ đó đổi mới phương thức, cách làm trong sự phối hợp phân vai, trách nhiệm và theo dõi địa bàn.

Vì Thành phố sạch, xanh và giảm ngập nước

Ảnh minh họa

VOH có Tọa đàm với chủ đề: “Vì Thành phố sạch, xanh và giảm ngập nước”, xoay quanh việc tìm các giải pháp để cùng các tập thể, cá nhân ra sức thi đua, sáng tạo nhằm đạt những thành tích tiêu biểu, đóng góp vào sự phát triển của Thành phố trong thời gian tới qua phân tích của các vị khách mời: Ông Nguyễn Thành Trung – Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành Phố. Bà Võ Thanh Huỳnh Anh - Phó Trưởng phòng chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi Trường Thành phố. Ông Nguyễn Trần Bình – Phó Chủ tịch UBND Quận 11 và ông Hồ Phương – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh.

*VOH: Thưa ông Nguyễn Trần Bình, nhằm đảm bảo chỉ tiêu xây dựng mô hình “Phường, xã, thị trấn sạch và xanh, thân thiện”. Quận đã có giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả tiêu chí 30% hộ dân có trồng cây xanh, trang bị cây kiểng hoặc tạo mảng xanh trong khuôn viên nhà ở?

Ông Nguyễn Trần Bình: Xây dựng mô hình phường xã sạch, xanh thân thiện với môi trường trong hệ thống mặt trận cũng có xây dựng CLB Môi trường xanh. Tích cực thực hiện phong trào 15 phút vì TP văn minh, sạch đẹp, không để tái xuất hiện các điểm ô nhiễm về rác thải, biến các điểm ô nhiễm thành các mảng xanh, khu sinh hoạt cộng đồng. Về Đoàn thanh niên, mỗi thanh niên sẽ trồng 1 cây xanh, vì TP xanh sạch, đẹp ở góc học tập hoặc góc làm việc của bản than. Phụ nữ quận có các mô hình túi giấy than thiện, tổ chức các sân chơi, tặng cây xanh, hạt giống. Hoặc chương trình đổi chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh để lấy cây xanh. Đối với các DN thì Liên đoàn Lao động quận vận động tạo mảng xanh trong khu làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh cho đơn vị sạch đẹp. Ngành Giáo dục thì có mô hình trường học xanh để các em trở thành những tuyên truyền viên trong nhỏ gia đình và là công dân xanh trong tương lai.

*VOH: Còn tại Quận Bình Thạnh thì tiêu chí tạo mảng xanh được thực hiện ra sao? Và quận có những giải pháp nào thưa ông Hồ Phương?

Ông Hồ Phương: Ở đây các mảng xanh mang tính tập trung nhiều hơn, đường phố, công viên cây xanh. Trong nhiệm kỳ vừa qua cũng đạt được 2,4% trên tổng diện tích so với chỉ tiêu chung của toàn TP là 2%. Còn gắn với việc thực hiện tiêu chí 30% hộ dân có trồng cây xanh. Trước đây và hiện nay chúng tôi có mô hình “Không gian xanh của khu phố tôi”, có những thảm xanh, cây xanh nhỏ trên từng đường phố. Hiện nay MTTQ và Đoàn Thanh niên của 20 phường chia nhau đi khảo sát từng nhà, nhà nào có mảng xanh rồi thì góp ý cho nó tươm tất hơn. Nếu chưa có thì tư vấn để đặt 1 chậu cây ở trước thềm nhà hay trên sân thượng…Đây là cách mà chúng tôi đang triển khai cho 89 khu phố.

*VOH:  Về phía Sở tài nguyên và Môi trường TP, thưa bà Võ Thanh Huỳnh Anh, bà có chia sẻ gì về việc hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và xử lý các loại rác thải (cồng kềnh, xây dựng, công nghiệp…) trên địa bàn Thành phố hiện nay và phương hướng trong thời gian tới?

Bà Võ Thanh Huỳnh Anh: Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt được hướng dẫn phân loại thành 02 nhóm: Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (hoặc có thể gọi là Phế liệu, như: giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); Nhóm còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại và các loại chất thải khác phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải).

Nhóm chất thải còn lại: được tổ chức thu gom hàng ngày và chuyển giao lên nhà máy xử lý tập trung như đang thực hiện như hiện nay.

- Nhóm phế liệu: người dân có thể bán phế liệu hoặc cho/tặng cho các đơn vị thu gom như đang thực hiện hiện nay hoặc theo kế hoạch thu gom của chính quyền địa phương.

Sở TNMT đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản quy định nội dung công tác quản lý CTR cồng kềnh trên địa bàn thành phố. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự thoả thuận với chủ thu gom, vận chuyển để yêu cầu dịch vụ thu gom vận chuyển CTR cồng kềnh đến điểm tiếp nhận theo đúng quy định.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao các công ty Dịch vụ Công ích trên địa bàn quận huyện xây dựng đề án và tổ chức cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh; xây dựng đơn giá và phương thức xử lý chất thải rắn cồng kềnh sau khi thu gom; công bố công khai cho người dân biết số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom để người dân dễ dàng thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ. Giao UBND quận huyện tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp địa phương đã có công bố dịch vụ thu gom mà người dân không tuân thủ và thải bỏ chất thải rắn cồng kềnh không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan đô thị. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố dự thảo Công văn triển khai các chỉ đạo nêu trên. Như vậy định hướng hiện nay dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh là thực hiện theo cơ chế thị trường (đơn vị cung ứng dịch vụ và người dân tự thoả thuận dịch vụ). UBND quận huyện chịu trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm. Chất thải rắn công nghiệp: Các Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và thực hiện quản lý chất thải rắn phát sinh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Đơn vị. Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ xen cài trong khu dân cư phát sinh chất thải rắn công nghiệp với khối lượng ít: Trong đó, hướng dẫn các quận/huyện về cách thức tổ chức phương thức thu gom, chuyển giao xử lý chất thải rắn công nghiệp từ các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ. Ngoài ra, yêu cầu các quận/huyện tăng cường công tác giám sát, xử lý hành chính các hành vi vi phạm về thải bỏ chất thải rắn không đúng quy định bao gồm thải bỏ chung với chất thải rắn sinh hoạt.

Chất thải rắn xây dựng: Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự thảo Quy chế Quản lý chất thải rắn xây dựng từ hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Sau khi được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận, huyện hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo quy định, cụ thể: tiếp nhận kế hoạch quản lý Chất thải rắn xây dựng của chủ nguồn thải; kiểm tra công tác phân loại, lưu giữ chất thải rắn xây dựng tại công trường của chủ nguồn thải; hợp đồng chuyển giao xử lý chất thải rắn xây dựng; xử lý các trường hợp vi phạm.

*VOH: Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được để vận động nhân dân tiếp tục tham gia, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19, Chỉ thị số 23 và chủ đề năm 2020.Sau đợt thi đua 200 ngày do Ban Thường vụ Thành ủy phát động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố có giải pháp, kinh nghiệm nào trong thời gian tới thưa ông Nguyễn Thành Trung?

Ông Nguyễn Thành Trung: Để thực hiện tốt các nội dung thi đua với 3 nội dung: Chỉ thị 19, Chỉ thị 23 và chủ đề năm. Tinh thần phát huy sự sáng tạo của các cơ quan, đơn vị về phát huy các mô hình tốt trong thời gian qua. Góp phần giải quyết môi trường xanh, sạch đẹp, tăng cường các mảng xanh bằng nhiều giải pháp, nhiều mô hình phù hợp với từng địa bàn dân cư. Vì vậy cũng đề nghị MTTQ các quận huyện cùng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị để tăng mảng xanh, mảng tường. Qua thống kê đến nay có 1021 mảng tường. Chúng tôi phấn đấu làm sao đến hết đợt 3 này phần đấu ít nhất phải có 2.000 mảng tường xanh, sạch đẹp. Kinh phí có thể có thể vận động từ các doanh nghiệp hay những đơn vị xây dựng thi công trên địa bàn. Về lực lượng vẽ chúng tôi đã đặt hàng với Thành đoàn xuống để hỗ trợ. Như vậy trong nhiều năm tới chúng ta sẽ có diện mạo mới trên địa bàn TP. Bên cạnh đó là vai trò của mặt trận trong việc giám sát thực hiện để thẩm định các mô hình, các danh hiệu theo tiêu chí để làm sao khi được công bố thì chất lượng tương đối. Còn điều chúng tôi băn khoăn là rác của người vãng lai. Hệ thống của mình đặt các thùng rác thì chưa đồng đều và đầy đủ. Bên cạnh đó cũng kêu gọi mọi người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường vì đây vừa là quyền lợi vừa là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng TP.

*VOH: Cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của các khách mời, hy vọng qua những thông tin từ chương trình sẽ giúp người dân hiểu thêm về việc phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường với những ý nghĩa hết sức thiết thực như là: “Phường - xã - thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao và sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều phía, hy vọng rằng từ nay cho đến khi kết thúc đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội đảng các cấp và những năm tiếp theo, công tác phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường thành phố sạch, xanh, thân thiện sẽ có được những chuyển biến rõ nét. Nhiệm vụ này không chỉ có ý nghĩa làm sạch đẹp hơn môi trường thành phố mà còn tạo được vẽ mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.