Xây dựng không phép, trái phép: Trách nhiệm của địa phương ở đâu?

(VOH) - Xây dựng không phép, trái phép, quản lý nhà chung cư, cấp phép xây dựng trong đất nông nghiệp công nghệ cao… tiếp tục là những nội dung được chất vấn tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP khóa IX.

Nhận định về tình trạng xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những đối tượng chuyên mua bán, sang nhượng đất đai cố tình vi phạm. Trong quá trình phối hợp xử phạt, có những nguyên tắc triển khai chưa đến nơi đến chốn, phát hiện lúc nào cũng chậm, nhất là ở những địa bàn xa.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: PLO

Ông Võ Văn Hoan cũng đề nghị xử lý nghiêm minh những “đầu nậu” cố tình vi phạm quy định về quản lý đất đai, lôi kéo gây ảnh hưởng mất an ninh trật tự tại địa phương. "Đâu thể nào trên địa bàn 1ha mà ào ào xây dựng lên được, phải có người đứng ra phân lô, hô hào quảng cáo, lôi kéo người dân… Đó là vấn đề chúng ta phải nhìn nhận. Theo tôi phải xử lý hết sức nghiêm khắc. Ở phường, xã biết hết nhưng các đồng chí chưa có giải pháp xử lý nghiêm túc, hay chưa nhận thức đúng tác hại của những tổ chức không thực hiện đúng quy định pháp luật", ông Hoan đề nghị.

Đại biểu Vũ Thanh Lưu đặt câu hỏi về trách nhiệm của Sở Xây dựng đối với vấn đề phòng chống cháy nổ tại các chung cư trên địa bàn TP: "Luật PCCC 2001 quy định rõ trách nhiệm của ngành Xây dựng, nhưng đối với chung cư xây dựng trước 2001 thì trách nhiệm của Sở Xây dựng như thế nào đối với công tác phòng chống cháy nổ trong các khu chung cư trên địa bàn TP?".

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga đề nghị làm rõ giải pháp kiểm soát và thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm: "Thời gian qua, có những trường hợp vi phạm sau khi Thanh tra Sở gửi về cho quận, huyện xử lý thì chưa được tổ chức thực hiện. Vậy trong thời gian chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đồng chí có giải pháp gì để tham mưu cũng như kiểm soát việc tổ chức thực hiện tháo dỡ các công trình xây dựng sau khi Thanh tra Sở lập biên bản chuyển về cho UBND các quận, huyện?".

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Lê Hòa Bình – Giám đốc Sở Xây dựng TP nêu rõ: "Trong Luật xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Sở sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có thể giao Chánh Thanh tra Sở chủ trì thực hiện, hoặc giao Chủ tịch UBND quận huyện thực hiện. Do đó nếu có khó khăn, vướng mắc ở quận, huyện thì chúng tôi sẽ tham gia hướng dẫn trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng, và chúng tôi cũng sẽ vào cuộc ngay. Đối với công tác PCCC, chúng tôi có kế hoạch để kiểm tra, nghiệm thu công trình, phối hợp cùng lực lượng PCCC, nếu không đạt thì chắc chắn không đưa vào sử dụng".

Xung quanh vấn đề xử lý đối với cấp quản lý tại địa phương khi để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước tại cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ sự băn khoăn: "Ủy ban nói rõ là biết nhưng vì sao không xử lý? Không xử lý triệt để cái gốc là đầu nậu, đầu cơ nên bây giờ chúng ta phải làm việc rất đau lòng là tháo dỡ nhà dân, mặc dù việc này là đúng quy định pháp luật. Vấn đề xử lý cán bộ không nghiêm, buông lỏng quản lý ở cơ sở đã dẫn đến hệ lụy rất lớn là tài sản của người dân".