Đơn vị bầu cử số 9 - huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn: Đinh La Thăng

(VOH) - Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) - huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn: Đinh La Thăng.

Đơn vị bầu cử số 9 - huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn: Đinh La Thăng 1

* TÓM TẮT TIỂU SỬ:

- Ứng cử viên (ĐBQH): Đinh La Thăng

- Sinh ngày: 10/9/1960

- Quê quán: xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

- Hiện cư trú tại Nhà khách T78 của Văn phòng Trung ương Đảng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

- Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Tài chính kế toán - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII

- Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII.

* TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

- Từ tháng 3 năm 1983 đến tháng 02 năm 1989: Ông là Kế toán viên, Kế toán trưởng Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Bí thư, Bí thư Đoàn TNCS Công ty. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 15 tháng 9 năm 1985.

- Từ tháng 02 năm 1989 đến tháng 10 năm 1995: Ông là Phó Kế toán trưởng, Kế toán trưởng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Sông Đà; Bí thư Đoàn TNCS, Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng Công ty Sông Đà; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa V, khóa VI.

- Từ tháng 10 năm 1995 đến tháng 10 năm 2000: Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn; Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng Công ty Sông Đà.

- Từ tháng 10 năm 2000 đến tháng 10 năm 2003: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà; là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XI.

- Từ tháng 10 năm 2003 đến tháng 12 năm 2005: Ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế; là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XI.

- Từ tháng 12 năm 2005 đến tháng 8 năm 2011: Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

- Từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 02 năm 2016: Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An ninh Hàng không dân dụng quốc gia; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật.

- Từ tháng 02 năm 2016 đến nay: Ông là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

- Ông đã được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất; Huân chương Itxala hạng Nhì của Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Huân chương Độc lập hạng Nhì của Vương quốc Campuchia.

* CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri bằng nhiều kênh thông tin, dưới nhiều hình thức, dành nhiều thời gian đi thực tế để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và đưa tiếng nói của Nhân dân đến Quốc hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.

2. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, thẩm tra những cơ sở pháp lý cũng như nhu cầu thực tiễn của Thành phố để xây dựng cơ chế đặc thù nhằm phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đẩy mạnh liên kết Vùng. Tiếp tục kiến nghị Trung ương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho Thành phố trên tất cả các lĩnh vực phù hợp với đặc điểm đô thị đặc biệt; thiết lập cơ chế quản lý hiện đại của bộ máy hành chính phục vụ cho tổ chức, doanh nghiệp, công dân trên cơ sở công khai, minh bạch.

3. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao qua đào tạo) cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; bổ sung cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố, xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao sự đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng GRDP với mục tiêu là thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố với các nội dung cụ thể.

4. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính với tinh thần “vì dân hành động”, bảo đảm sự tham gia của Nhân dân trong quy trình ra các quyết định về chính sách tạo điều kiện cho Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát hoạt động của chính quyền; tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước trong các quyết định về chính sách, quản lý, điều hành; quyết liệt phòng chống tham nhũng từ cơ chế kiểm soát; chống lãng phí, thất thoát tài sản công bằng việc công khai, minh bạch và bằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, trên cơ sở một nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, tận tụy với Nhân dân; chống mọi biểu hiện suy thoái đạo đức, diễn biến hòa bình.

5. Thúc đẩy hoàn thiện và phát triển dần năng lực cung ứng các dịch vụ công cho Nhân dân, đảm bảo khả năng tiếp cận ngày càng tốt hơn của người dân đối với các dịch vụ cơ bản có chất lượng. Nắm chắc tình hình đời sống Nhân dân, nhất là đời sống của gia đình chính sách, người có công, người làm công ăn lương, bà con nông dân, những người nghèo, nhóm dân cư dễ bị tổn thương,… để có kế hoạch chăm lo hiệu quả và công bằng, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục ngày càng tốt hơn, loại trừ dần thực phẩm bẩn ra khỏi bữa ăn của người dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo công ăn việc làm, tạo cơ hội cho mọi thành phần dân cư đều có thể có thu nhập, tích trữ, đầu tư,… với mục tiêu cuối cùng là mọi người đều được hưởng lợi từ sự phát triển, tìm thấy vai trò và vị trí của mình trong xã hội, không ai bị gạt ra ngoài cộng đồng.

6. Từ thực tiễn hoạt động, tích cực đúc rút kinh nghiệm, đóng góp, kiến nghị với Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh để bất cứ chủ trương, chính sách nào được ban hành ra cũng có tính khả thi cao, tác động tích cực đến hoạt động kiếm sống, kinh doanh, học tập, mưu cầu hạnh phúc, hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin,… của công dân và đảm bảo họ có thể thực hiện tất cả những quyền đã được quy định trong Hiến pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.