Đừng thờ ơ trước sự nguy hiểm của cúm A H1N1

(VOH) - Xem nhẹ căn bệnh này, đến khi diễn biến xấu thì tính mạng không còn cứu kịp.

Cúm A H1N1 đặc biệt nguy hiểm với nhóm nguy cơ cao và điều đó là đã xảy ra cần phải lên tiếng cảnh báo.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP cho biết tại đây vừa tiếp nhận thai phụ 35 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp mang thai 32 tuần, nhiễm cúm A H1N1, diễn tiến nặng, điều trị không thuyên giảm. Đáng ngại là bệnh nhân này ở những tháng cuối thai kỳ. Trước diễn tiến sức khỏe của người mẹ ngày càng chuyển biến xấu buộc các bác sĩ phải hội chẩn khẩn với Bệnh viện Từ Dũ và phẫu thuật lấy thai nhi. May mắn sau đó, bé gái 1,6 kí chào đời, nhờ vào các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc tích cực đã được cứu sống nhưng người mẹ đã không qua khỏi.

Khu vực cách ly - khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh minh họa

Như vậy, chưa tính đến các trường hợp không qua khỏi gia đình chủ động xin về nhà cũng như các trường hợp tử vong ở tỉnh, thì từ đầu năm đến nay, đã có 4 bệnh nhân nhiễm cúm A H1N1 tử vong tại các bệnh viện của TPHCM sau khi nhập viện điều trị. Điểm lại các trường hợp vừa qua cho thấy, từ chỗ không ý thức được sự nguy hiểm của bệnh, nhiều người còn rất chủ quan, thờ ơ. Một số bệnh nhân khi mắc cúm nhưng vẫn chủ quan ra nhà thuốc mua thuốc về tự điều trị vì nghĩ chỉ là bệnh vặt. Còn ở nhóm thứ hai là những người mắc bệnh mãn tính, không may nhiễm vi rút cúm thì thực sự nguy kịch.

Ngành Y tế TP đã nhiều lần đưa ra thông điệp khuyến cáo cúm A H1N1 sẽ rất nguy hiểm với nhóm nguy cơ cao là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo trong nhóm này phụ nữ mang thai là đối tượng nguy cơ cao nhất. Đáng sợ nhất là viêm phổi khi nhiễm cúm A H1N1 ở phụ nữ mang thai vì nguy cơ tử vong rất cao

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã phát đi thông điệp khuyến cáo, cúm A H1N1 là một thành phần có trong vắc xin phòng bệnh cúm mùa nên việc việc tiêm ngừa phải được ưu tiên hàng đầu. Với loại cúm này, phải thực hiện tốt các biện pháp sau: Về phía cơ sở y tế khi tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A H1N1 cần lưu ý phòng tránh lây nhiễm chéo. Mỗi cá nhân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Thực hiện vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc, lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.

Về phía cộng đồng, người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất. Nếu xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang, thực hiện đúng theo quy trình của y tế dự phòng. Với những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm. Bản thân mỗi người khi xuất hiện các triệu chứng của cúm A H1N1 như sốt, ho, viêm họng, sổ mũi tuyệt đối tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Đã đến lúc không thể chủ quan, thờ ơ với loại cúm tưởng rất vô hại này. Một khi tử vong do cúm A H1N1vẫn xảy ra thì sự ý thức cảnh giác với bệnh không bao giờ là muộn. Trong bối cảnh cúm A H1N1 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường thì cộng đồng không nên lơ là, chủ quan. Việc chủ động phòng bệnh càng trở nên tối khẩn hơn bao giờ hết!