Ôn thi THPT quốc gia 2018 sao cho hiệu quả?

(VOH) - Chỉ còn khoảng 2 tháng là học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Vậy học sinh lớp 12 ôn thi THPT quốc gia 2018 như thế nào để đạt kết quả tốt?

Giai đoạn này được xem là giai đoạn nước rút, vừa hoàn thành nội dung kiến thức còn lại của lớp 12, vừa ôn lại những phần kiến thức đã học. Tuy nhiên với lượng kiến thức khá lớn, học sinh cần phải lựa chọn cách thức ôn tập phù hợp với mục tiêu của mình.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 là năm thứ 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng hình thức bài thi tổ hợp với các tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý-Hoá-Sinh) và khoa học xã hội (Sử-Địa-GDCD).

Mặc dù có những thuận lợi hơn năm trước, nhưng việc áp dụng cả nội dung kiến thức lớp 11 trong đề thi năm nay vẫn tạo nhiều áp lực cho học sinh.

Ôn thi THPT quốc gia 2018 sao cho hiệu quả?

Ảnh minh họa

Cụ thể, môn lịch sử, có 26 bài học lớp 12 và 24 bài lớp 11. Trong khi đó, chỉ riêng bài Chiến tranh thế giới lần thứ 2 trong chương trình lịch sử 11, có cả trăm sự kiện học sinh cần ghi nhớ. Đây chỉ là 1 trong 3 môn của bài thi tổ hợp, nếu cộng cả 4 bài thi mà các em phải thực hiện, khối lượng kiến thức là khá lớn.

Về nội dung kiến thức bài học, em Trần Thị Vạn Quỳnh, học sinh lớp 12A9, Trường Trung học phổ thông Hiệp Bình, Quận Thủ Đức, nêu thực tế: "Tụi em phải học xong 12, mới ôn lại bài lớp 11, mà hiện giờ chưa học xong chương trình 12. Em cảm thấy kiến thức rộng hơn những năm trước. Tháng 4 hoặc tháng 5  mới học xong chương trình mà tháng 6 thi rồi nên chỉ còn 1 tháng để ôn. Nếu theo chương trình sẽ không kịp thời gian. Giờ em chủ yếu tập trung vào khối chọn thi là Toán-Hoá-Sinh. Các môn khác vẫn học nhưng không trọng tâm vào các môn đó". 

Trong khi đó, đề thi năm 2017 số bài thi đạt điểm cao, thậm chí 10 điểm khá nhiều, gây khó khăn trong việc xét tuyển vào các trường đại học. Để khắc phục tình trạng này, dự kiến đề thi năm nay mức độ phân hoá, độ khó sẽ cao hơn hẳn. Thậm chí, một số câu hỏi trong đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn gây tranh cãi trong giáo viên bộ môn để lựa chọn đáp án chính xác. Vì vậy, đòi hỏi sự đầu tư, ôn luyện nhiều hơn để có thể đạt được kết quả cao.

Phải đảm bảo kiến thức nền 

Giáo viên bộ môn Lịch Sử, Bùi My Thuý - Trường Trung học phổ thông Gia Định, Quận Bình Thạnh, băn khoăn đề bài có cả nội dung lớp 11 và lớp 12 không chỉ gây áp lực cho học sinh, mà ngay cả giáo viên khi ôn luyện cho học trò cũng rất áp lực. Quy trình của Bộ GD&ĐT cũng không hướng dẫn hoặc khoanh vùng bài trọng tâm, mà chỉ cho biết khoảng 20% kiến thức trong bài thi là kiến thức lớp 11. Do đó, giáo viên không biết sẽ ôn cái gì hay ôn trọng tâm cho học sinh ở mức độ nào để có thể đạt điểm cao. 8 câu cuối cùng của đề tham khảo, học sinh phải tư duy nhiều, vừa hiểu, vừa nắm chắc kiến thức và phải vừa loại suy nữa.   

Để giúp học sinh có thể đạt kết quả tốt, cô Bùi My Thuý xác định phải đảm bảo kiến thức nền, cơ bản cho học sinh. Trong quá trình dạy, giáo viên định hướng xâu chuỗi các sự kiện với dạng sơ đồ tư duy nhằm giúp học sinh ghi nhớ những sự kiện lịch sử chính, đồng thời dễ dàng liên kết với những sự kiện diễn ra trước và sau đó.

Ngoài ra, giáo viên trong tổ bộ môn của trường cùng kết hợp soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm môn Lịch sử lớp 11, trong đó đặc biệt lưu ý những nội dung có thể liên hệ với kiến thức bài học lớp 12. Để ngay sau khi kết thúc chương trình lớp 12 vào giữa tháng 5, việc ôn tập và bổ sung kiến thức lớp 11 sẽ nhanh chóng, hợp lý và không quá nặng nề.

Môn thi trắc nghiệm: luyên đi luyện lại nhiều lần

Tại trường trung học phổ thông Nguyễn Du, năm học này có 11 lớp 12, thì 9 lớp đăng ký bài thi khoa học tự nhiên. Để giúp học sinh có thể hoàn thành tốt dạng bài thi, trong quá trình kiểm tra thường xuyên trong năm, nhà trường và các tổ bộ môn tạo điều kiện cho học sinh làm quen với cường độ làm bài liên tục, như cách thức tổ chức của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Ngoài ra, theo giáo viên Nguyễn Tường Thịnh, kinh nghiệm ôn thi trắc nghiệm các môn tự nhiên như môn Vật Lý là giải nhiều lần mỗi dạng bài thi. "Điều quan trọng là tất cả câu các em từng làm qua cần phải luyên đi luyện lại nhiều lần, chứ không phải giải 1 lần 2 lần như tự luận trước đây, để khi gặp lại dạng bài đó sẽ giải thật nhanh và chính xác. Chỉ khi nào các em giải nhiều lần 1 bài, nhìn vô đọc đề là đã thấy hướng đi trong đầu, có thể nhẫm được đáp số nếu câu không quá khó, học sinh phải học đến mức đó thì làm trắc nghiệm mới tốt. Trường hợp học kiểu 1 bài giải 1 lần thì ở những bài dễ các em vẫn giải được nhưng không rút ngắn thời gian được. Mỗi câu giải chỉ 1 phút 25 giây thôi", Thầy Nguyễn Tường Thịnh, lý giải. 

Xác định đúng mục tiêu

Thực tế, bài thi nhằm cả 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xét tuyển đại học, nên việc xác định mục tiêu hướng đến của mỗi cá nhân học sinh là rất quan trọng. Tuỳ năng lực bản thân, mỗi học sinh cần xác định chọn trường cũng như mức độ ôn luyện phù hợp.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, khuyến nghị: "Thật ra, số lượng các câu của lớp 11 và sau này là lớp 10 trong đề thi có tỷ lệ khó và nâng cao không nhiều. Cơ bản vẫn là các câu ở mức độ nền, đơn giản, nhẹ nhàng. Cho nên nếu yêu cầu làm bài đủ đạt mức năng lực của mình, và đặt ra các chỉ tiêu như tốt nghiệp rồi vào trường cao đẳng, đại học nào đó phù hợp trình độ năng lực thì các em sẽ thấy nhẹ nhàng đơn giản trong việc ôn tập". 

Trước đây, khi còn 2 kỳ thi tách biệt, ở các kỳ thi tuyển vào đại học cao đẳng, nội dung kiến thức nằm ở cả 3 khối lớp 10-11-12. Vì vậy, với bài thi nhằm sử dụng cho mục đích xét tuyển vào đại học, cao đẳng, việc bổ sung theo lộ trình kiến thức lớp 11 và cả lớp 10 thực tế không quá bất ngờ. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề ra yêu cầu các trường và giáo viên dạy học thật kỹ lưỡng và căn bản ngay từ lớp 10 để học sinh có nền tảng tốt nhất khi thi trung học học phổ thông quốc gia.

Tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai phương hướng nhiệm vụ học kỳ 2 khối trung học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cũng đã có chỉ đạo: "Mấy năm nay Bộ GD& ĐT sử dụng đề thi có 2 mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông và làm cơ sở để các trường xét tuyển đại học. Cho nên, đề có những kiến thức "bao" chương trình là chuyện bình thường. Nhiệm vụ của trường là hướng đến học sinh hoàn thành chương trình tốt nghiệp trung học phổ thông trước mắt. Sau đó, mục tiêu thứ hai, đáp ứng yêu cầu của từng học sinh. Dù có những kế hoạch, nhưng quan trọng là phải làm cho đầy đủ chương trình lớp 12 trước đã". 

Mùa thi 2018 đang đến gần, việc trang bị kiến thức vững chắc, xác định năng lực và mục tiêu để có những định hướng phù hợp đang được nhà trường, giáo viên và bản thân học sinh rốt ráo thực hiện. Tuy nhiên, một mùa thi nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, không quá áp lực nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu 2 trong 1, xem ra vẫn đang là mục tiêu hướng đến.