Tuyển sinh 2018: Giảm nửa số điểm ưu tiên khu vực, không còn ưu tiên “3 Tây”

(VOH) - Chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ sẽ được hủy bỏ trong kì tuyển sinh năm nay.

Chiều 14/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Quy chế Tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Trong đó, có một số nội dung được điều chỉnh so với quy chế năm 2017.

Bỏ ưu tiên riêng tại một số khu vực

Theo quy chế tuyển sinh 2018, Bộ GD-ĐT quyết định bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Nhận xét về điểm mới này, theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, đây là sự thay đổi lớn nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người nhất và mang tính chất tích cực.

Điều chỉnh tuyển sinh 2018 giúp công bằng hơn

Điều chỉnh chính sách ưu tiên sẽ khiến tuyển sinh đầu vào công bằng hơn (Ảnh: LH)

Ông Sơn đánh giá: “Lượng người được hưởng ưu tiên giảm đi sẽ tạo ra sự công bằng hơn cho những thành phần còn lại. Lượng người được hưởng ưu tiên khu vực với lượng người không được hưởng ưu tiên là gần bằng nhau khoảng 40 – 50%, do đó việc giảm điểm ưu tiên khu vực này sẽ làm cho công bằng hơn”.

Theo ông Sơn, năm 2017, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT Quốc gia, phổ điểm học sinh các tỉnh na ná nhau không có chênh lệch nhiều, chỉ lệch nhiều ở môn Tiếng Anh. Vì vậy, nếu thí sinh được hưởng quyền ưu tiên sẽ không phù hợp.

Trong khi đó, đối tượng ưu tiên năm nay vẫn giữ nguyên nên không ảnh hưởng đến chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Ngoài việc bỏ ưu tiên khu vực, quy chế tuyển sinh 2018 cũng điều chỉnh về chênh lệch điểm ưu tiên. Cụ thể, điểm ưu tiên đối tượng được giữ nguyên với mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm. Riêng với mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp thì giảm từ 0,5 điểm theo quy chế các năm trước xuống chỉ còn mức 0,25 điểm. 

Làm tròn điểm “khó hơn”

Một thay đổi nữa trong quy chế tuyển sinh 2018 là sửa đổi quy định việc làm tròn đến hai chữ số thập phân với tổng điểm xét tuyển vào các ngành. 

Cụ thể, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Quy chế và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia TPHCM cho rằng, với cách tính điểm mới này, sự cạnh tranh giữa các thí sinh vào đại học sẽ khắt khe hơn.

Tiến sĩ Nghĩa phân tích: “Trong xét tuyển đại học, sự chênh lệch giữa các thí sinh ở mức điểm 0,05 hoặc 0,10 sẽ dẫn đến sự chênh lệch điểm của hàng trăm, hàng ngàn thí sinh. Như vậy, trường đại học có thể sẽ phải chẻ nhỏ điểm trúng tuyển, dẫn đến việc thí sinh trúng tuyển và không trúng tuyển chỉ chênh nhau 0,01; 0,02 điểm - đôi khi gây bức xúc cho thí sinh.

Năm 2018, Bộ cũng bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành không đào tạo giáo viên. Riêng đối các ngành tuyển sinh đào tạo giáo viên ở các trình độ được quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng.