Ấn Độ đẩy mạnh chính sách "Hành động hướng Đông" tại Đông Nam Á

(VOH) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm 3 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Singapore.

Thủ tướng Ấn Độ cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La – Hội nghị an ninh thường niên quan trọng của khu vực vào ngày 1/6 tại Singapore. Ngay trước thềm chuyến công du này, Thủ tướng Ấn Độ Modi tuyên bố New Delhi có mối quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ với cả 3 quốc gia này, cũng như khu vực Đông Nam Á; và chuyến thăm của ông sẽ mang lại lực đẩy hơn nữa cho chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ.

Ấn Độ đẩy mạnh chính sách "Hành động hướng Đông" tại Đông Nam Á

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters

“Người Ấn Độ luôn nhìn về hướng Đông để ngắm Mặt Trời mọc và ánh sáng của cơ hội. Bây giờ, cũng như trước đây, phương Đông hay khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẽ là một phần không thể thiếu đối với tương lai của Ấn Độ và vận mệnh chung của hai bên". Đó là lời chia sẻ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đề cập đến mối quan hệ khăng khít giữa Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai bên hồi tháng 1 năm nay. Tuyên bố này một lần nữa phản ánh sự coi trọng của Ấn Độ đối với ASEAN, phù hợp chủ trương nhất quán “Hành động hướng Đông” và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Ấn Độ đang theo đuổi. Trong bối cảnh ấy, chuyến công du của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới 3 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia và Singapore, bắt đầu từ ngày 29/5 chính là bước tiếp theo cụ thể hóa chính sách này.

Đáng chú ý, chuyến thăm 3 quốc gia này diễn ra 4 tháng sau khi Thủ tướng Ấn Độ mời các nhà lãnh đạo ASEAN đến New Delhi tham dự hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Ấn Độ - ASEAN. Tại hội nghị, Ấn Độ và ASEAN đã nâng cấp mối quan hệ hợp tác song phương lên Đối tác chiến lược, đánh dấu bước phát triển mới thực chất giữa Ấn Độ và ASEAN. Xin nhắc lại: năm 2014, Ấn Độ đã chuyển hướng chính sách “Nhìn về hướng Đông” sang thành “Hành động hướng Đông” với rất nhiều chương trình hợp tác kinh tế - thương mại. Việc điều chỉnh chính sách này xuất phát từ một thực tế Ấn Độ có thực lực hơn, đặc biệt khi Ấn Độ quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước những nguy cơ đe dọa bên ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc. Quan hệ đối tác đối thoại Ấn Độ - ASEAN vì thế được đánh giá là "chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh" và Ấn Độ coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách "Hành động hướng Đông".

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Indonesia lần này được cho là sẽ nâng mối quan hệ đối tác song phương lên tầm cao mới. Trong khi đó, với Singapore - nước giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2018, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Singapore cũng có vai trò quan trọng. Đây sẽ là chuyến thăm thứ 2 của ông Narendra Modi tới "quốc đảo Sư tử" trong năm nay sau chuyến thăm lần đầu hồi tháng 1 kết thúc với một thỏa thuận thúc đẩy hợp tác kinh tế và kết nối giữa hai nước. Trước đó, quan hệ Ấn Độ - Singapore đã được nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Modi hồi năm 2015.

Vì sao Ấn Độ coi trọng ASEAN như vậy? Giới phân tích nhận định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động hiện nay, có nhiều nguyên nhân khiến Ấn Độ xích lại gần hơn với ASEAN.

Thứ nhất, hội nhập kinh tế sâu hơn với khu vực ASEAN năng động là một khía cạnh quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” mà Ấn Độ đề ra. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, chiếm hơn 10% tổng thương mại của Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ cũng là đối tác thương mại lớn của ASEAN; thương mại hai chiều đã tăng 8% trong 2016-2017 so với năm trước, hiện đạt khoảng 70 tỷ đô la Mỹ. Việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại với các nước ASEAN giúp Ấn Độ đẩy mạnh hội nhập kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ đó duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định. Thứ hai, về ngoại giao, trong bối cảnh chính sách “ưu tiên nước láng giềng” của ông Narendra Modi gặp phải trở ngại, Ấn Độ một mặt tăng cường quan hệ với các nước phương Tây, mặt khác chuyển đổi chính sách “Nhìn sang phía Đông” thành “Hành động hướng Đông”, nhấn mạnh đến tính cấp thiết triển khai hành động cụ thể để tăng cường phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Về quân sự, Ấn Độ đang cần tìm kiếm đối tác hợp tác mạnh mẽ để mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hạn chế bớt ảnh hưởng của sáng kiến “Vành đai con đường” mà Trung Quốc đề ra, qua đó thể hiện vai trò của mình trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời đối phó với các thách thức chung.

Nhưng điểm quan trọng hơn, đó là việc xích lại gần ASEAN sẽ giúp Ấn Độ có thêm đồng minh trong việc chống lại các nguy cơ từ bên ngoài. Trong chính sách “Hành động hướng Đông” công bố năm 2014, Ấn Độ đặc biệt nhấn mạnh đến những thách thức an ninh trong khu vực, ví dụ như tranh chấp lãnh thổ và hành động răn đe của Trung Quốc bằng vũ lực. Có chung quan điểm với nhiều quốc gia, Ấn Độ coi cách Trung Quốc hành xử cứng rắn trong tranh chấp giai quyết chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng đang tạo ra rất nhiều thách thức mới đe dọa tự do hàng hải, luật pháp quôc tế và chủ quyền toạn vẹn lãnh thổ của các nước. Với vai trò là cường quốc lớn về kinh tế và quân sự trong khu vực, Ấn độ ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định ở châu Á và vai trò này đã được tất cả các nước ASEAN ủng hộ. Với việc Thủ tướng Mô-đi hôm nay (1/6) có bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh khu vực Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore, Ấn Độ một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của mình trong việc ngăn chặn cách hành xử trái với luật pháp quốc tế; duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

Trong bối cảnh Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra với nhiều chủ đề nóng, như Hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên, Vai trò của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; Nâng cao các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải… việc Thủ tướng Narendra Modi phát biểu về vấn đề thách thức an ninh khu vực còn được cho là truyền tải một thông điệp mạnh mẽ Ấn Độ tiếp tục sát cánh cùng ASEAN nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung để đương đầu với các thách thức. Nhìn tổng thể, chuyến thăm 3 quốc gia Đông Nam Á và tham dự Đối thoại An ninh khu vực Shangri-La tối nay (1/6) sẽ giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của Ấn Độ trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với rất nhiều thách thức, đồng thời củng cố hơn nữa vai trò của Ấn Độ như một đối trọng về kinh tế và quân sự với Trung Quốc khi các nước nhỏ đang tìm kiếm “một chỗ dựa” để chống lại ảnh hưởng và tham vọng của Bắc Kinh.