Bình luận: Hậu quả lớn từ sơ suất nhỏ

(VOH) - Hậu quả cháy rừng đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường tự nhiên và đời sống xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân có khi chỉ do một chút chủ quan, khinh suất của con người.

Gần đây nhiều tỉnh thành phía Bắc và miền Trung liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn. Hậu quả cháy rừng đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường tự nhiên và đời sống xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân có khi chỉ do một chút chủ quan, khinh suất của con người. Ngoài ra, nhiều sự cố cháy nổ, tai nạn lao động khác cũng xuất phát từ sự bất cẩn thường thấy của người dân, dẫn đến thiệt hại lớn về nhân mạng và tài sản hết sức đáng tiếc. 

Liên tiếp từ tháng 4/2019 đến nay, hàng loạt vụ cháy rừng hoành hành từ các tỉnh thành Bắc Trung Bộ đến duyên hải miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam và mới đây nhất là Bình Định, Đà Nẵng.

Thống kê 6 tháng đầu năm nay của Bộ Nông nghiệp & phát triển Nông thôn, cả nước xảy ra gần 160 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 950 ha rừng các loại, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, những vụ cháy rừng liên hoàn mới đây ở tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân do một người dân đốt rác, sơ suất để lửa cháy lan sang những khu rừng bên cạnh rồi xảy ra cháy lớn mất kiểm soát. Trước đó không lâu, cũng có một vụ cháy rừng ở tỉnh Nghệ An mà nguyên nhân cũng do một người hút thuốc lá thiếu ý thức gây ra.

Cháy rừng tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 28/6 - Ảnh: VNE

Rõ ràng, một mẩu tàn thuốc nhỏ bé hay vài đốm lửa tưởng chừng vật vờ, vô hại nhưng hoàn toàn có thể khiếnbùng phát thành thảm họa lớn nếu chúng ta chứ hành xử chủ quan. Đặt trong bối cảnh kinh tế của nhiều địa phương còn nghèo, lại yếu kém trong khâu quản lý, thiếu phương tiện, các trang thiết bị chữa cháy cần thiết nên khi xảy ra sự cố lực lượng chức năngchống chọi một cách yếu ớt, thậm chí bị động cầu trời đổ mưa.

Trong khi đó, thống kê ở khu vực đời sống dân sinh, từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 1.900 vụ cháy nổ, làm 63 người chết và 98 người bị thương, thiệt hại vật chất gần 700 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực lao động, năm 2018 toàn quốc có gần 8.000 vụ tai nạn khiến hơn 1.000 người chết.Nhiều vụ trong số đó được cơ quan chức năng chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ hành vi rất chủ quan của con người dẫn đến những hệ lụy nặng nề cho rất nhiều gia đình và xã hội.

Những sự cố, tai nạn đáng tiếc nêu trên đã gợi lại nỗi ám ảnh của các vụ việc đau lòng trong quá khứ  mà xuất phát cũng dosự sơ suất, chủ quan mà ra như khinh suất với điện, với lửa đã dẫn đến thiệt hại không sao bù đắp được.

Tại TPHCM, theo số liệu từ ngành điện lực, các vụ cháy nổ do sơ suất trong sử dụng điện gia đình như quên ngắt cầu dao hay các thiết bị điện chiếm tới gần 60% số vụ cháy liên quan đến các sự cố về điện.

Đã từng có chuyên gia ngành điện lên tiếng báo động về thực trạng: “Nhiều người dân chỉ quan tâm đến việc bật công tắc xem có điện hay chưa và cứ thế sử dụng, chứ ít quan tâm kiểm tra hệ thống điện trong nhà có an toàn hay không?!” Chính thói quen lặp đi lặp lại như một thứ phản xạ vô điều kiện đó có thể khiến gia chủ và cộng đồng dân cư phải trả giá đắt bằng tính mạng nếu không may xảy ra sự cố.

Có thể thấy trong hầu hết các vụ tai nạn về cháy nổ hay tai nạn lao động đều có nguyên nhân từ sự thờ ơ, chủ quan hàng ngày mà ra.

Thời gian qua, nhiều địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhưng thiếu các biện pháp xử phạt, răn đe kịp thời với những trường hợp vi phạm. Ý thức đám đông thìthường khó đạt đến ngưỡng của sự chuẩn mực, thành ra thay vì trông chờ điều đó, các địa phương cần mạnh dạn xử lý nghiêm  hành vi thiếu ý thức dựa vào khung hình phạt mà pháp luật đã quy định.

Bao nhiêu sự cố là bấy nhiêu bài học nhưng dường như nhiều người trong chúng ta vẫn còn khá bất cẩn, thiếu cảnh giác đề phòng sự cố cháy nổ và tai nạn trong sinh hoạt. Đến khi có sự cố không ít người lại đổ tại “năm xui tháng hạn” chứ ít khi thừa nhận do lỗi chủ quan của chính mình.

Khi hậu quả lớn đến từ những sơ suất nhỏ thì dù có hối hận, tiếc rẻ đến máy cũng chẳng thể giải quyết được vấn đề gì.