Cách ly nguồn hiểm họa - yêu cầu cấp thiết

(VOH) - Những ngày qua, thông tin về vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Thiệt hại, hậu quả vẫn chưa thể tính hết. Cùng với đó là rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là nỗi lo về ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dân khu vực xung quanh nhà xưởng công ty.

Vụ việc một lần nữa là lời cảnh báo đỏ, rằng - những cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư đô thị thật sự là những quả “bom nổ chậm”, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, độc hại, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, gây hậu quả khó lường. Việc di dời những cơ sở này khỏi khu dân cư cần đẩy nhanh, khẩn trương, cấp thiết, cách ly nguồn hiểm họa.

Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông đã xảy ra hơn 2 tuần, nhưng dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Không kể thiệt hại tài sản, những hệ lụy về môi trường, sức khỏe càng đáng lo hơn bội lần. Hàng trăm hộ dân đã phải tạm rời bỏ nhà mình để chạy trốn ô nhiễm. Nhiều người nhìn nhận, rất may thời điểm xảy ra cháy lúc chập tối, lực lượng chức năng kịp khống chế, không để ngọn lửa lan sang hàng trăm nhà dân gần đó. Nếu ở thời điểm khác, lúc người dân say ngủ, hậu quả có lẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Cách ly nguồn hiểm họa - yêu cầu cấp thiết

Ảnh minh họa: TTO 

Sau vụ cháy, các giải pháp ứng phó sự cố; giải quyết hậu quả, tổ chức theo dõi, thăm khám sức khỏe kịp thời cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của sự cố, cũng như điều tra nguyên nhân, xử lý sai phạm đang được Thành phố Hà Nội và các Bộ ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện.

Qua vụ việc, một lần nữa cần phải nhìn lại vấn đề tồn tại từ bao lâu nay, đó là việc các nhà máy, nhà xưởng nằm giữa khu dân cư. Đặc biệt, các cơ sở hoạt động, kinh doanh có chứa hóa chất độc hại nguy hiểm là càng phải sớm di dời, cách ly khỏi khu dân cư. Nào phải đâu xa, mới hồi tháng 4/2019, tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng xảy ra cháy nhà xưởng làm 8 người chết. Khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư, có nhiều vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa lan nhanh, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Giữa lòng thủ đô, đó là những bài học cực kỳ đắt giá.

Trước nguy cơ về ô nhiễm, cháy nổ do các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có thể gây ra, nhiều năm trước, Hà Nội đã lên danh sách và có lộ trình di dời các cơ sở này ra bên ngoài. Thành phố có nhiều nỗ lực thực hiện, song đến nay tiến độ vẫn hết sức chậm chạp rùa bò. Tại TPHCM, chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm dù được thực hiện từ đầu những năm 2000, thế nhưng quá trình di dời gặp không ít khó khăn. Chưa kịp di dời cơ sở cũ, đã có thêm cơ sở mới đã phát sinh. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, toàn thành phố hiện có 188/504 cơ sở hoàn tất việc khắc phục gây ô nhiễm; 316 cơ sở đang tiếp tục được kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, năm 2018 lại phát sinh gần 300 cơ sở sản xuất mới gây ô nhiễm trong khu dân cư. Ngay như chợ hóa chất Kim Biên, được ví như “kho bom hóa chất”, tọa lạc giữa khu dân cư sầm uất của quận 5, từng được Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành di dời vào năm 2017, nhưng rốt cuộc bao giờ hoàn thành vẫn chưa có câu trả lời.

Thực tế này do rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Từ những quy định còn chồng chéo, bất cập đến năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế, rồi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời vẫn chưa phù hợp thực tế…  Nhưng đáng nói hơn cả và phải nhìn nhận thẳng thắn, rằng các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm trong việc giám sát, xử lý các cơ sở này.

Nhiều năm qua, dường như chưa có cá nhân nào có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện ì ạch chủ trương di dời. Cũng chưa có nhà máy nào phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ, chây ì di dời. Thực tế, đã không ít lần, hiểm họa trở thành thảm họa, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Và sau mỗi sự cố như thế, vấn đề được lật lại. Câu chuyện cũ nói đi nói lại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được cải thiện, thậm chí có nơi ngày càng tệ hơn. Doanh nghiệp vẫn ngang nhiên sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, gây nguy hại cho khu dân cư. Bao nhiêu hậu quả, nguy cơ, người dân lãnh đủ.

Tại cuộc họp về sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm và có phương án để quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Hai Phó Thủ tướng cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các Bộ, ngành có liên quan.

Vụ việc tại Công ty Rạng Đông một lần nữa là lời cảnh báo đỏ, rằng di dời các cơ sở, nhà xưởng sử dụng hóa chất độc hại nằm xen cài giữa khu dân cư là vô cùng cấp thiết. Nguồn hiểm họa nguy cơ cháy nổ, tác động xấu đến cộng đồng cần phải khẩn trương cách ly khu dân cư, càng sớm càng tốt. Khi nào vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp cũ kỹ, lạc hậu, gây ô nhiễm, thì người dân còn bất an. Dù có những lý do, nguyên nhân thế nào đi nữa, khi người dân còn phải sống chung lâu dài với hiểm họa, thì rõ ràng, chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa làm hết trách nhiệm.

Vụ thai nhi chết với vết thương ở cổ: Kỷ luật 1 bác sĩ, 2 hộ sinh - Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) ra quyết định kỷ luật 3 bác sĩ, y sĩ do liên quan đến vụ thai nhi chết với vết thương ở cổ.
Thực hư 4 học sinh sốc ma túy do uống chung chai sữa - Ngày 17-9, trên mạng xã hội và một số báo điện tử đưa thông tin 4 thiếu niên từ 13 - 16 tuổi nhập viện vì sốc ma túy do uống chai sữa do một thanh niên đưa. Thực hư ra sao?