Căng thẳng Nga-phương Tây: "Chiến tranh lạnh" đang trở lại?

(VOH) - Căng thẳng ngoại giao Nga và phương Tây đang ở lằn ranh nguy hiểm, với việc hai bên trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao của nhau.

Những căng thẳng ngoại giao Nga-Anh và phương Tây tiếp tục “nóng” sau khi Nga yêu cầu Anh phải xin lỗi vì những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Nga. Vụ việc càng trở nên căng thẳng hơn khi Anh, vừa không đưa ra được bằng chứng chứng minh Nga có liên quan tới vụ đầu độc hai cha con một cựu điệp viên Nga, vừa từ chối đề xuất hợp tác điều tra chung để tìm ra thủ phạm. Trước đó, hai bên liên tục trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, khiến mối quan hệ Nga-Mỹ-phương Tây “chạm đáy”. Cuộc khủng hoảng này một lần nữa khiến câu hỏi liệu “Chiến tranh lạnh” có trở lại, tiếp tục được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, mâu thuẫn cũng đã bùng phát trong giới chính trị Anh khi Anh không thể đưa ra bằng chứng xác đáng cáo buộc Nga.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 4/4, phía Anh cho rằng việc Nga đề xuất Tổ chức Cấm vũ khí hóa học tại La Hay (Hà Lan) họp khẩn về vụ đầu độc 2 bố con cựu điệp viên Nga Skripal chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận và gây cản trở cho cuộc điều tra của tổ chức này. Trước đó, Nga đã nhiều lần yêu cầu Anh phải đưa ra bằng chứng chứng minh Nga là thủ phạm vụ đầu độc, nhưng đến nay Anh vẫn chưa đưa ra được bằng chứng. Trong một diễn biến mới nhất, lãnh đạo Phòng Thí nghiệm công nghệ và Khoa học quốc phòng Anh, ông Gary Aitkenhead hôm thứ 3 đã thừa nhận “các nhà khoa học Anh chưa thể khẳng định việc loại chất độc trong vụ tấn công cựu điệp viên Nga có nguồn gốc từ Nga”.

Một điều nực cười là, kết luận của ông Gary Aitkenhead lại trái ngược hoàn toàn với tuyên bố mà Ngoại trưởng Anh đưa ra trước đó. Khi được hỏi Chính phủ Anh đã làm thế nào để có thể kết luận một cách nhanh chóng về việc chất độc bị nghi sử dụng trong vụ tấn công có nguồn gốc từ Nga, Ngoại trưởng Anh đã nhấn mạnh Phòng Thí nghiệm công nghệ và Khoa học quốc phòng Anh là cơ quan nghiên cứu uy tín cung cấp những thông tin xác thực về vụ đầu độc.

Chính vì thế, mâu thuẫn đã khiến giới chính trị Anh chia rẽ. Công đảng đối lập ngày 4/4 đã lên tiếng chỉ trích ngoại trưởng Anh Boris Johnson, đã "phóng đại"  khi đưa ra bằng chứng cáo buộc Nga trong vụ đầu độc điệp viện hai mang Sergei Skripal và con gái ông này. Công Đảng cho rằng Ngoại trưởng Anh đã "đánh lừa dư luận Anh" và "phóng đại" mọi việc khi vội vã cáo buộc Nga. Rõ ràng, Anh đang đứng trước một tình huống khó xử bởi nếu không đưa ra được bằng chứngchứng minh Nga là thủ phạm vụ việc, thì rất có thể chính phủ Anh sẽ phải “muối mặt xin lỗi Nga”, như yêu cầu mà phía Nga đưa ra.

Dù vậy, cho đến nay, Anh vẫn khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm về vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Skripal, 66 tuổi, và con gái bị nghi đầu độc bằng một loại chất độc thần kinh được cho là có nguồn gốc từ Nga.

Các nhà ngoại giao Nga và gia đình rời Đại sứ quán Nga ở London (Anh), ngày 20/3. (Nguồn: Reuters)

Các nhà ngoại giao Nga và gia đình rời Đại sứ quán Nga ở London (Anh), ngày 20/3. (Nguồn: Reuters)

Trước đó, chỉ trong 2 tuần qua, Nga, Anh, Mỹ và các đồng minh liên tục trục xuất gần 200 nhà ngoại giao của nhau, khiến khủng hoảng càng lan rộng. Nhiều nước phương Tây đã  tuyên bố tẩy chay Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới Word Cup 2018 tổ chức tại Nga mùa Hè này, Mỹ cũng để ngỏ khả năng tịch thu tài sản của Nga ở Mỹ. London cũng đang có bước đi tương tự, đồng thời nỗ lực thuyết phục các đồng minh loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế.

Vòng xoáy đối đầu gay gắt giữa Nga và phương Tây đang khiến dư luận lo ngại về nguy cơ tái diễn thời kỳ Chiến tranh lạnh hồi đầu thế kỷ 20 trước đây. Nhận định về cuộc khủng hoảng này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres lo ngại “chúng ta đang ở trong tình huống tương tự như thời Chiến tranh lạnh đã từng trải qua, nhưng ở chừng mực lớn hơn". Thậm chí, chuyên gia Aleksey Fenenko, nhà khoa học cao cấp thuộc Viện Các vấn đề an ninh quốc tế (Viện Hàn lâm khoa học Nga), không loại trừ khả năng cuộc đối đầu này sẽ đưa thế giới đến một hình thức nào đấy "không phải Chiến tranh lạnh mà là Chiến tranh nóng”, bởi những căng thẳng địa chính trị phức tạp hiện nay.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước đây, dù mâu thuẫn nhưng Nga, Mỹ và phương Tây vẫn thiết lập một số quy tắc thận trọng trong cách hành xử với nhau, như không tiến hành chiến tranh trực tiếp, không sử dụng vũ khí hạt nhân..., đặc biệt là không khơi mào những điểm nóng có thể bùng phát chiến tranh. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay đang diễn biến phức tạp với các điểm nóng I-rắc, Sy-ri, U-crai-na… những nơi quân đội Nga, Mỹ, phương Tây đều đối đầu nhau ở hai chiến tuyến. Trong bối cảnh thể giới chưa có một quy định ràng buộc, ngăn chặn các cuộc đối đầu trực diện, nếu những mâu thuẫn hiện nay không thể kiểm chế, không loại trừ khả năng xảy ra đụng độ cục bộ giữa Nga, Mỹ, phương Tây tại một điểm nóng nào đó.

Những gì diễn ra cho thấy, dường như một mô hình “Chiến tranh lạnh” kiểu mới đang nóng lên từng ngày và nó đã tạo bước thụt lùi đáng kể trong nỗ lực tạo dựng lòng tin giữa Nga và phương Tây.

Vậy thì một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới đã thực sự xảy ra?

Giới phân tích cho rằng, dù mối quan hệ song phương Nga-Mỹ, Nga-phương Tây đã suy giảm tới một mức độ nguy hiểm hơn thời Chiến tranh lạnh, khi sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước Nga đang được xem là thách thức trật tự thế giới đơn cực  mà Mỹ và phương Tây cổ xúy, song có vẻ cả hai bên cùng hiểu rằng thế đối đầu bất tận không lối thoát hiện nay sẽ chẳng mang lại lợi ích cho bên nào, thậm chí gây nguy hại cho sự ổn định chiến lược toàn cầu. Bởi thiếu đi sự hợp tác giữa các cường quốc hàng đầu thế giới, việc đối phó với những mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, Hồi giáo cực đoan, tấn công mạng, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang,  khó có thể đạt kết quả. Đó là chưa kể tới việc hàng loạt “hồ sơ" quốc tế nóng bỏng nhất trong quan hệ quốc tế, từ Syria, Iran, Ukraine, Triều Tiên… đang cần bàn tay phối hợp của Nga, Mỹ và phương Tây. Cùng với đó là những lợi ích kinh tế ràng buộc.

Chính vì thế, dư luận đang chờ xem Nga-Mỹ-phương Tây sẽ xử lý cuộc khủng hoảng này ra sao trong những ngày tới.