Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng đang tăng đột biến tại TPHCM

(VOH) - Như dự đoán, bệnh tay chân miệng sẽ rộ lên khi mùa tựu trường bắt đầu. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình bệnh tay chân miệng tại TPHCM đáng ngại hơn nhiều.

* Đã có 1 trường hợp chết do bệnh tay chân miệng

Bé Nguyễn Trà My, 18 tháng tuổi, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh sau khi đi nhà trẻ một tuần thì khởi phát các triệu chứng của bệnh tay chân miệng bằng các dấu diệu đặc trưng như sốt nhẹ, nổi vết loét ở miệng, lòng bàn tay, đầu gối, mông.

Mẹ của bé cho biết, khi thấy con có biểu hiện bệnh tay chân miệng là cho nghỉ học ngay và đi khám cho bé. Điều này vô cùng cần thiết vì nếu trẻ bị tay chân miệng tiếp tục đi học sẽ là nguồn lây nguy hiểm cho các trẻ lành khác tại lớp học, nguy cơ hình thành ổ dịch tại trường là rất cao.

Đây cũng là một thực tế mà hiện nay theo ghi nhận của phóng viên VOH tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, tình hình tay chân miệng khám ngoại trú và nhập viện điều trị tăng nhanh.

Cảnh giác: Số ca mắc tay chân miệng nhập viện tăng gấp 5 lần tại TPHCM. Trong 3 tuần trở lại đây tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM tiếp nhận số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng mới tăng đột biến.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 lo ngại khi ckhoảng 3 tuần nay, bệnh tay chân miệng tăng gấp 5 lần so với cách đây 1 tháng, cao điểm thứ hai (22/9) vừa rồi có đến 222 bệnh nhi nhập viện tại khoa.

Riêng ngày 26/9, có 179 trẻ điều trị trong đó khoảng 30 bệnh nhi nặng phải theo dõi sát, 10 bé phải thở máy, 5 bệnh nhi phải lọc máu. Một trường hợp đã tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 2, cao điểm có ngày khoa phải điều trị tay chân miệng cho 70 bệnh nhi.

Lo ngại tay chân miệng đang tăng đột biến

Hiện nay tại TPHCM, tình hình bệnh tay chân miệng lại đáng ngại hơn với sự gia tăng đột biến.

* Bệnh tay chân miệng tiềm ẩn từ trường học

Bác sĩ Hữu Khanh lưu ý, năm nay đáng ngại là khoảng 50% trẻ bị tay chân miệng nhập viện là do Enterovirus 71 - loại vi rút có tỷ lệ biến chứng rất cao:

"So với 5 năm gần đây, năm nay trẻ mắc bệnh cao hơn rất rõ. Những năm trước, số trẻ mắc tay chân miệng do enterovirus 71 thấp nhưng gần đây hơn 50% trẻ tay chân miệng do vi rút này. Loại vi rút này lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, dễ bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh".

Lo lắng hơn khi hiện nay bệnh tăng lại trùng vào thời điểm chu kỳ của bệnh vào tháng 9, 10, 11 nên tình hình còn rất phức tạp. Có thể với bệnh này, phụ huynh dễ dàng nhận biết dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Tuy nhiên ở một số trường hợp khi nhiễm Enterovirus 71 như bác sĩ Khanh vừa nêu thì bệnh có thể diễn biến nặng gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Trẻ bị tay chân miệng sẽ phát tán vi rút lây cho người xung quanh, do vậy các trường mầm non nếu có trẻ bị tay chân miệng nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày để hạn chế lây lan trong môi trường tập thể.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP lưu ý: "Khi trường học có bệnh tay chân miệng phải khử khuẩn hằng ngày với nồng độ 2 % Cloramin trong một lít nước và cứ khử khuẩn liên tục như vậy trong vòng 10 ngày đối với các đồ chơi của trẻ, sàn nhà, rồi các bề mặt, các kệ đồ chơi, cánh cửa, tay nắm cửa trong lớp học.

Ngoài ra, nên thực hiện những biện pháp vệ sinh thông thường như thường xuyên rửa tay với giáo viên, học sinh và đẩy mạnh truyền thông hơn đối với phụ huynh học sinh ở trong trường".

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng đặc biệt gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng. 

Làm cách nào để tránh lây bệnh tay chân miiệng ?  Trẻ bị bệnh tay chân miệng phần lớn là do lây lan. Do đó, các phụ huynh cần đặc biệt chú ý các biện pháp phòng tránh lây lan bệnh tay chân miệng, không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng. 

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.