Cảnh giác với những trào lưu nguy hiểm và phản cảm

(VOH) - Theo thống kê, Việt Nam đang giữ vị trí hàng đầu về tỷ lệ sử dụng internet tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tính đến tháng 1/2017, cả nước có hơn 50 triệu người dùng internet (chiếm 53% dân số), trong đó có hơn 1/3 số là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24. Những con số này cho thấy, việc tiếp cận thông tin của giới trẻ qua internet và mạng xã hội là hết sức dễ dàng. Cùng với những tiện ích, kèm theo đó là những mặt trái, những tác động xấu tiềm ẩn. Nếu gia đình và chính thanh thiếu niên không cảnh giác và tỉnh táo, không có ứng xử phù hợp, sẽ để lại hệ lụy khó lường.

Cảnh giác với những trào lưu nguy hiểm và phản cảm

Thử thách Cá voi xanh hay còn biết đến với tên gọi là trò chơi tự sát. Ảnh: internet

Mới đây, clip ghi lại cảnh 3 thanh niên leo lên tòa nhà 38 tầng, cao hơn 150m, ở quận Bình Thạnh, TPHCM được đăng tải trên mạng xã hội tạo nên nhiều ý kiến xôn xao. Hành động của những nam thanh niên này khiến người xem thót tim bởi hết sức nguy hiểm. Đây là trào lưu phổ biến ở nước ngoài từ nhiều năm nay, khi nhiều người tìm cách leo lên những tòa nhà chọc trời để quay phim, chụp ảnh trong tư thế mạo hiểm, rồi đăng lên mạng xã hội, tìm kiếm sự nổi tiếng. Trào lưu này chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam, nay bắt đầu xuất hiện làm dấy lên sự lo ngại. Nỗi lo vơi bớt phần nào khi đa số các ý kiến chỉ trích hành động liều lĩnh, thiếu suy nghĩ của người trong cuộc.

Trước đó, thông tin trò chơi xúi giục tự tử "Thử thách Cá voi xanh" xuất hiện ở Việt Nam, tại tỉnh Tiền Giang cũng khiến dư luận quan tâm. Xuất phát từ Nga, trò chơi chết chóc đang lan rộng ra toàn thế giới, trong đó có cả châu Á. Từ trò chơi này, đã có hàng trăm bạn trẻ tự tử. Nhiều người lo sợ những cái chết vì thiếu hiểu biết của giới trẻ sẽ xảy ra. Các cơ quan chức năng tại Tiền Giang nhanh chóng vào cuộc và khẳng định chưa phát hiện vụ việc nào. Sự kịp thời và nghiêm túc của ngành chức năng là rất đáng hoan nghênh, góp phần ngăn chặn trào lưu này trở nên phổ biến hơn nữa.

Không phải đến câu chuyện về trào lưu “Cá voi xanh”, hay thử thách tòa nhà chọc trời, chuyện cảnh giác trước những trào lưu phản cảm và nguy hiểm mới được quan tâm. Thời gian trước, câu nói mang hàm nghĩa tích cực “Người Việt Nam nói là làm”,  bị các bạn trẻ biến thành trào lưu tiêu cực khiến dư luận hết sức lo ngại. Một chàng trai tuyên bố đủ lượng like trên facebook sẽ nhảy cầu, và anh ta làm thật. May mà được cứu kịp. Hay như cô bé học sinh mạnh miệng tuyên bố đủ like sẽ đốt trường, và cũng cả gan đốt thật. Điều may mắn là những sự việc hết sức nguy hiểm đó chưa để lại hậu quả quá lớn.

Lý giải những hành vi được xem là “không thể hiểu nổi” của người trẻ từ mạng xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, tham gia các trào lưu tiêu cực, nguy hiểm hầu hết đều là những đứa trẻ cô đơn, thiếu sự quan tâm. Mẫu số chung là các bạn trẻ đều có tâm lý muốn tự khẳng định mình, muốn được thừa nhận do thiếu sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ.

Cảnh giác với những trào lưu nguy hiểm và phản cảm

Một nạn nhân đã tự dùng dao khắc hình ảnh cá voi lên tay khi chơi "Thử thách Cá voi xanh". Ảnh: internet

Thực tế, khó có thể kể hết được tất cả trào lưu của giới trẻ. Từ thời trang, có thể mang phong cách không giống ai cho đến những trò giải trí trên mạng xã hội… hễ có xu hướng mới lạ là họ nhanh chóng cập nhật cho mình để không bị xem là lạc hậu. Không phải trào lưu nào trên mạng xã hội cũng xấu, cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Nhiều trào lưu được khởi phát với ý nghĩa tốt đẹp, tạo hiệu ứng lan tỏa như thách đố đọc mỗi cuốn sách một ngày, tắm nước đá gây quỹ vì trẻ em ung thư, kêu gọi nhặt rác sau mỗi sự kiện của giới trẻ… Những trào lưu ý nghĩa khá tích cực đó giúp người trẻ có cơ hội thể hiện mình vừa đóng góp cho xã hội, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người trẻ. Xét cho cùng, trong thế giới phẳng, những hoạt động này góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người trẻ. Nhưng điều đáng lo là không phải ai cũng nhận biết được đâu là giới hạn từ thế giới ảo.

Chuyên gia cùng các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh giám sát chặt chẽ con cái trong độ tuổi vị thành niên, nhất là trong việc sử dụng Internet, để kịp phát hiện biểu hiện bất thường. Thực tế, trước những trào lưu xấu, nguy hiểm và phản cảm trên mạng, những trẻ được gia đình quan tâm, có đời sống tâm lý ổn định đều có sự đề kháng mạnh mẽ. Trong khi đó, các biện pháp xử lý cực đoan kiểu ngăn cấm, la mắng, đánh phạt lại rất ít hiệu quả trong những trường hợp này, hoặc có khi còn gây hiệu ứng ngược lại, đẩy trẻ đi xa hơn về phía phản kháng để khẳng định mình.

Các biện pháp cực đoan như ngăn cấm sử dụng các thiết bị điện tử thật sự không mang lại nhiều tác dụng, thậm chí còn gây thêm nhiều tò mò hơn cho trẻ em. Trong một môi trường công nghệ, xu thế thanh thiếu niên tiếp cận nhiều hơn với công nghệ, với internet, với mạng xã hội là điều tất yếu. Vấn đề ở chỗ gia đình, các bậc phụ huynh kiểm soát việc sử dụng của con em mình như thế nào cho thích hợp, có sự cảnh giác và tỉnh táo trước những mặt trái, những trào lưu phản cảm và nguy hiểm ra sao. Nhất là ở lứa tuổi thiếu niên luôn muốn khẳng định mình. Thêm vào đó, việc gia đình quan tâm chăm sóc, chia sẻ tâm tư tình cảm với con em một cách kịp thời sẽ tạo nên sức đề kháng mạnh mẽ trước sự lôi kéo của những trào lưu xấu.