Chặng đường đầy chông gai ở Trung Đông

(VOH) - Việc nhà lãnh đạo Pháp liên tiếp công du Lebanon dường như cho thấy Paris đang muốn tái khẳng định vai trò quốc tế ở khu vực Trung Đông.

Lần thứ hai trong vòng một tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Beirut, nơi ông hy vọng "một chính phủ hành động" sẽ nhanh chóng được thành lập nhằm đưa đất nước Lebanon sớm thoát khỏi các cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế tồi tệ hiện nay. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, sứ mệnh của Tổng thống Pháp đang gặp rất nhiều thách thức phía trước

"Tôi sẽ không bỏ mặc các bạn!" - ba tuần sau lời hứa với người dân Lebanon khi đặt chân tới thủ đô Beirut ngay sau vụ nổ kinh hoàng khiến khoảng 190 người thiệt mạng ngày 4/8, ông Macron đã trở lại quốc gia Trung Đông, trên danh nghĩa là nhân sự kiện 100 năm Tướng Pháp Henri Gouraud tuyên bố thành lập Nhà nước Lebanon. Và kết quả của chuyến công du lần thứ hai trong chưa đầy 1 tháng này là cam kết của giới lãnh đạo của Lebanon về việc thành lập một chính phủ mới trong 2 tuần tới để thúc đẩy lộ trình cải cách ở quốc gia Trung Đông. Tổng thống Macron hy vọng chính phủ mới ở Lebanon có thể “sẽ bắt đầu đưa ra lộ trình cải cách trong 6 đến 8 tuần tới”, bởi thực hiện cải cách là điều kiện chính để quốc gia Trung Đông nhận được viện trợ quốc tế.

Việc Tổng thống Pháp 2 lần tới thăm Lebanon chỉ trong chưa đầy 1 tháng cho thấy ông đang rất nỗ lực trong “sứ mệnh” tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ ở quốc gia vốn chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế-chính trị suốt nhiều tháng qua. Các chuyên gia chỉ ra rằng chính sách sai lầm của các chính phủ Lebanon trước đây đã dẫn đến nợ công tính đến tháng 3 năm nay là 92 tỷ đô la Mỹ, tương đương 170% GDP của nước này. Gánh nặng nợ công lớn nhất thế giới đã “bóp nghẹt” nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tới 35%, hơn 45% dân số sống trong nghèo đói. Cùng một lúc, Lebanon phải hứng chịu những cú sốc nặng nề khi tiền tệ sụt giá, các doanh nghiệp đồng loạt đóng cửa, giá cả hàng hóa cơ bản leo thang chóng mặt và nạn đói đe dọa những người nghèo nhất trong xã hội. Bên cạnh đó là những thách thức lớn về an ninh và những khó khăn này ngày càng chồng chất do ảnh hưởng từ cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia láng giềng Syria.

Làn sóng biểu tình phản đối việc chính quyền không cung cấp các dịch vụ cơ bản và không có năng lực thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng nhằm cứu vãn nền kinh tế trì trệ, bùng phát từ cuối năm ngoái vẫn tiếp diễn trong năm nay, khi mà đại dịch COVID-19 càng khiến cuộc khủng hoảng ở Liban trở nên nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, việc nhà lãnh đạo Pháp liên tiếp công du Lebanon dường như cho thấy Paris đang muốn tái khẳng định vai trò quốc tế ở khu vực Trung Đông. Trên thực tế, mối quan hệ mật thiết giữa hai nước, bắt nguồn từ 23 năm trước khi Lebanon là thuộc địa của Pháp. Sự tham dự tích cực của Paris ở Lebanon sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng của Pháp ở quốc gia Trung Đông và điều này gắn với vị trí địa chiến lược của Lebanon. Cách đây 10 năm, Lebanon vẫn là một trong ba ưu tiên của khu vực, nhận được sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi khu vực đang đối mặt với nhiều nguy cơ như xung đột giữa Yemen và Libya, cuộc khủng hoảng Syria, căng thẳng giữa Mỹ và Iran.... Đối với Tổng thống Pháp Macron, Lebanon có tầm quan trọng trong khu vực, và việc tăng cường ảnh hưởng ở Lebanon sẽ cho phép không chỉ Pháp mà cả phương Tây giành lại vị thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông trước những “đối thủ” như Iran, Nga hay Trung Quốc….

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Beirut.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) tại Beirut. (Nguồn: AP)

Cũng như chuyến thăm đầu tiên tới Lebanon vào đầu tháng 8, chỉ hai ngày sau vụ nổ thảm khốc khiến khoảng 190 người thiệt mạng, trong chuyến công du lần này, mục tiêu của nhà lãnh đạo Pháp vẫn không thay đổi, đó là gây áp lực cải cách đối với bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương của Lebanon. Tổng thống Pháp hy vọng sẽ thúc đẩy các đảng phái Lebanon vì lợi ích chung mà nhanh chóng thành lập một "chính phủ hành động" với 4 sứ mệnh: giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra, phục hồi tình hình kinh tế và tài chính, tái thiết cảng biển Beirut và chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội.

Có thể thấy sau hai chuyến thăm, áp lực từ phía Pháp bắt đầu có hiệu quả ban đầu. Tân Thủ tướng Lebanon Adib đã được các đảng phái chính của Lebanon thống nhất đề cử chỉ vài giờ trước chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Pháp Macron. Nhà lãnh đạo phong trào Hezbollah, cánh chính trị quan trọng tại Lebanon, ông Hassan Nasrallah, tuyên bố "sẵn sàng cho một cuộc thảo luận mang tính xây dựng" về một "hiệp ước chính trị mới" mà Tổng thống Pháp đề xuất. Trong khi đó, Tổng thống Lebanon Michel Aoun bất ngờ kêu gọi thiết lập một "nhà nước thế tục" trung lập về các vấn đề tôn giáo, không hỗ trợ cũng không phản đối bất kỳ tôn giáo nào.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu ý chí và cố gắng của Tổng thống Pháp Macron có thể lay chuyển được hệ thống chính trị chia sẻ quyền lực dựa trên tôn giáo ở Lebanon, trong đó mọi thứ từ chức vụ hàng đầu trong chính phủ đến công việc dân sự được phân bổ theo một hệ thống giáo phái phức tạp, hay không. Theo một thỏa thuận tồn tại gần 80 năm nay, ba chức danh lãnh đạo chính là tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng được phân chia đều cho 3 cộng đồng lớn nhất ở Lebanon là Công giáo Maronite, người đạo Hồi theo dòng Shia và đạo Hồi theo dòng Sunni. 128 ghế trong quốc hội Lebanon cũng được chia đều giữa người theo đạo Hồi và Thiên chúa giáo. Giới phân tích cho rằng hệ thống chính trị ở Lebanon chịu tác động của yếu tố lợi ích phe phái, các chính trị gia nước này thường khó đạt được đồng thuận khi cần đưa ra những quyết sách liên quan các vấn đề hệ trọng của đất nước, bởi họ sẽ luôn bảo vệ lợi ích cộng đồng tôn giáo họ đại diện.

Do đó, giới phân tích cho rằng con đường dẫn tới sự ổn định chính trị của quốc gia Trung Đông này còn rất dài và tồn tại rất nhiều thách thức. Và cũng vì thế, sứ mệnh thúc đẩy cải cách ở Lebanon mà Tổng thống Pháp đặt ra sau 2 chuyến thăm quốc gia Trung Đông cũng như đẩy mạnh ảnh hưởng hơn nữa của Pháp ở khu vực này khó có thể sớm hoàn thành.

 

Nhật Quang