Để Luật được thực thi!

(VOH) - Mỗi năm, ở Việt Nam có tới hàng chục nghìn người chết vì những căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

Vậy, tại sao biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe mà người ta vẫn hút ngay cả khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã ra đời với những chế tài xử phạt rất nghiêm minh?

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ảnh minh họa: baogiaothong

Ai cũng biết tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người, đáng ngại hơn Việt Nam nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Hằng năm,Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá, chưa kể những thiệt hại kinh tế, gánh nặng xã hội do thuốc lá mang lại. Điều đáng nói là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Thế nhưng, dù luật đi vào đời sống với phạm vi điều chỉnh rõ ràng. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, công tác phòng chống tác hại thuốc lá vẫn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Luật đã đi vào đời sống nhưng thực thi chưa cao, vì thế nên cộng đồng vẫn chưa ý thức cao về chấp hành các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2018, Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp - thành viên thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá ngành y tế Thành phố nêu khó khăn thực tế, hiện nay toàn ngành chỉ có một người đi kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm hút thuốc lá. Trong khi đó, chỉ tính riêng các cơ sở y tế đóng trên địa bàn TPHCM thì lực lượng dành để kiểm tra, xử phạt, giám sát hành vi hút thuốc lá không dừng lại ở con số khiêm tốn như vậy. Không đủ nhân lực vì thế, hầu như xử phạt chỉ là nhỏ giọt. Năm 2017 qua, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá cũng chỉ lập được 3 biên bản chuyển thanh tra Sở xử phạt qua kiểm tra định kỳ. Hiện tại các cơ sở y tế, khi phát hiện hành vi hút thuốc thì bảo vệ cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở mà thôi.

Không có lực lượng thanh kiểm tra, xử phạt tại chỗ nên hầu như các hành vi vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn tái diễn, nhiều người vẫn còn mơ hồ về luật và cũng không biết hút thuốc lá là hành vi vi phạm, họ vô tư nhã khói vì không biết hành vi mình bị cấm. Tại mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam gần đây nhất cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch trong đó có đột quỵ. Vấn đề này cũng được Bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu – Trưởng Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 nêu thực tế về những bằng chứng cụ thể, rằng thuốc lá ảnh hưởng đến người lớn thì đã quá rõ ràng, riêng với bà mẹ mang thai thì thai nhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu bà mẹ hút thuốc hay chịu ảnh hưởng khói thuốc thụ động thì phôi thai sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng. Đó là nhau bong non, nhau tiền đạo gây chảy máu làm chết thai nhi, tình trạng vỡ ối sớm gây chuyển dạ sinh non cũng không phải là hiếm. Theo Hiệp hội Sản khoa Mỹ, thai phụ hút thuốc một gói/1 ngày thì tỷ lệ đẻ non cao hơn 20% so với bà mẹ không hút thuốc. Bên cạnh đó, dị tật bẩm sinh cho trẻ ở bà mẹ mang thai hút thuốc cũng đã được ghi nhận với những chứng cứ khoa học cụ thể.

Dù là nước nằm trong top 15 nước có số hút thuốc lá cao nhất thế giới nhưng mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới lại chia sẻ thông tin xem ra rất đáng lo ngại khi giá thuốc lá tại nước ta cũng nằm trong top 15 nước có giá thấp nhất. Vậy nên, điều đó cũng lý giải vì sao đến nay số người hút thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn cao. Vậy nên, trong bối cảnh ý thức tác hại về sức khỏe cùng những hậu quả nặng nề từ thuốc lá tại cộng đồng chưa cao thì làm sao để áp dụng triệt để những quy định trong luật thiết nghĩ vô cùng cần thiết. Để làm được việc này thì chuẩn bị nhân sự là giải pháp tối ưu, bởi vì nếu không có lực lượng chuyên trách dành cho giám sát, thanh kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm hút thuốc lá cũng chỉ “giậm chân tại chỗ”. Do vậy nên, nếu không có đủ điều kiện để luật phát huy hiệu quả vào đời sống thì chắc rằng, thời gian tới, tình hình cũng sẽ không cải thiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu về Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng rất cần đẩy mạnh vì thời gian qua vẫn còn nhỏ giọt, chưa đủ đánh động trong cộng đồng./.