Du lịch xấu xí - cần xử lý mạnh tay

(VOH) - Thời gian qua, liên tiếp những câu chuyện về hiện tượng du lịch xấu xí, để lại những ấn tượng xấu với du khách được phản ánh gây bức xúc dư luận.

Đánh du khách, tình trạng tăng giá “chặt chém” vô tội vạ, chèo kéo, thậm chí lừa đảo du khách… diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng.

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực kích cầu du lịch, những “con sâu” như thế khiến bức tranh đẹp mà ngành “công nghiệp không khói” nỗ lực gầy dựng mất điểm không ít, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường du lịch chung. Đã đến lúc cần có những giải pháp thật sự mạnh tay và quyết liệt hơn.

Chỉ vì tranh cãi về chất lượng món ăn, mới đây, một nữ du khách bị đánh ngất xỉu tại chợ đêm Đà Lạt, khiến dư luận bức xúc và ngán ngẩm. Bởi đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh xấu xí này diễn ra tại thành phố du lịch trên cao nguyên Lang Biang.

Du lịch xấu xí - cần xử lý mạnh tay

Du khách bị đánh ngất xỉu tại chợ đêm Đà Lạt vì chê món ăn dở - Ảnh: TTO

Trước đó, cũng giữa chợ đêm Đà Lạt, từng xảy ra nhiều vụ xô xát với khách du lịch.

Chưa hết, vụ việc chủ khách sạn nghi dùng roi điện tấn công khách, chủ lò mứt đánh khách nhập viện, rồi chèo kéo, hăm dọa, đưa khách tham quan những tour lừa, chặt chém khiến cho thành phố ngàn hoa xinh đẹp mất đi không ít thiện cảm trong mắt du khách.

Đáng nói hơn, những điều tiếng này đã được phản ánh từ lâu, và giờ trở nên phổ biến, bởi không được các cơ quan hữu quan xử lý thỏa đáng. Không ít du khách đến thành phố mộng mơ phải trở về với sự phiền phức, như là ác mộng không muốn nhớ đến.

Mà không riêng Đà Lạt, nhiều địa danh du lịch hút khách trên khắp đất nước cũng nhan nhãn hình ảnh xấu xí, phổ biến kiểu làm du lịch chụp giựt, “ăn xổi ở thì”. Nét hoang sơ của Sa Pa từng như một cô gái đẹp đáng yêu của Tây Bắc nhưng nét duyên dáng đó đang bị mất dần bởi các công trình nhà hàng, khách sạn mọc lên tua tủa.

Hay như danh thắng Tràng An, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận cũng đã bị xâm hại, đục khoét nham nhở. Đảo ngọc Phú Quốc trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, “chặt chém” du khách không thương tiếc.

Ở thủ đô Hà Nội, tình trạng đánh giày với giá cắt cổ, taxi chở khách lòng vòng, hàng rong đeo bám, xin xỏ, thậm chí lừa đảo vẫn đang tồn tại trên các khu du lịch phố cổ. Khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng chèo kéo du khách đã và vẫn đang diễn ra hàng ngày.

Có thể nói, không một khách du lịch nào, trong nước và nước ngoài thấy vui hay thú vị khi chứng kiến, trải nghiệm những điều như thế.

Du khách đi du lịch là để được thưởng thức, được tham quan thư giãn chứ không phải đi để chuốc lấy phiền não, lúc nào cũng nâng cao tinh thần cảnh giác và học các bài học về ứng phó với kẻ gian.

Đó là những điều họ hiếm khi gặp phải khi đến các danh thắng du lịch khác trên thế giới. Đó cũng là câu chuyện buồn với phần lớn người dân Việt Nam, những người luôn mong muốn và hy vọng hình ảnh đất nước trở nên đẹp đẽ, ấn tượng trong mắt bạn bè thế giới.

Cần nhấn mạnh rằng, một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam 2017 chính là du lịch. Nước ta đón được gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016 và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa.

Lần đầu tiên lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tổng thu từ du lịch năm qua ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2030 chúng ta đặt mục tiêu tăng 190%, đóng góp 35 tỷ đô la Mỹ cho ngân sách.

Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nhưng để phát triển bền vững, cần phải sớm dẹp bỏ những hình ảnh xấu xí, xô bồ.

Chính tư duy và đạo đức kinh doanh “chụp giựt” của không ít người đã để lại ấn tượng không tốt tới hình ảnh du lịch Việt Nam. Xếp thứ 5 trong ASEAN về lượng khách quốc tế nhưng thống kê cho thấy 70% khách đến Việt Nam không trở lại, con số thật đáng phải suy nghĩ.

Để xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam tươi đẹp, thân thiện hơn trong mắt du khách quốc tế, cần nhấn mạnh là nhận thức của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì rằng, mỗi người dân đều là một mắt xích cấu thành một sản phẩm du lịch. 

Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng trong các dịch vụ du lịch để bảo đảm môi trường du lịch an toàn, tạo nên hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, mến khách là điểm mấu chốt để giữ chân du khách…

Muốn vậy, đòi hỏi tất cả cộng đồng cùng chung tay góp sức dựng xây, nâng tầm chất lượng điểm đến, biến những tiềm năng du lịch trở thành thế mạnh để phát triển bền vững.

Đây không chỉ là trách nhiệm của các hãng lữ hành, cơ sở lưu trú, cơ quan quản lý du lịch mà còn của đơn vị vận chuyển, dịch vụ nhà hàng và nhất là người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương ở điểm du lịch đó.

Và trước hết, tình trạng ẩu đả, “chặt chém” khách hàng, kinh doanh chụp giựt cần có những biện pháp mạnh để xử lý triệt để, phạt tiền thật nặng, rút giấy phép kinh doanh không để tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến, lây lan khó dẹp.