Đừng mơ hồ về ý thức giao thông

(VOH) - 90% vụ tai nạn, ùn tắc giao thông do ý thức người tham gia giao thông. 7 tháng năm 2016, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông của TP tăng khiến nhiều người choáng váng. Nguyên nhân không cần tìm hiểu cũng biết, lại là ý thức.

Xe tải dàn hàng ngang hết cả phần đường dành cho xe hai bánh

Ý thức là thói quen cộng đồng

Người được cấp bằng lái xe hiển nhiên phải đạt đến một mức độ nhận thức nhất định về luật, về quy tắc điều khiển xe, về yêu cầu đối với người điều khiển phương tiện. Khi nhận thức thấm sâu vào suy nghĩ, thể hiện bằng hành vi thì đó mới là ý thức.

Trẻ lên ba đã được học: đèn xanh được phép đi, đèn đỏ dừng lại, đèn vàng đi chậm. Tuổi thanh thiếu niên, thanh niên, cao tuổi đương nhiên càng hiểu rõ.

Nhưng chuyện không quá hiếm ở những ngã tư. Khi đèn đỏ bật sáng, 1 xe máy vẫn chồm tới. Đứa con hồn nhiên: “sao ba vượt đèn đỏ, cô giáo dạy không được vượt đèn đỏ ba ơi”... "Trễ rồi con...". Oái ăm, người "làm gương" vi phạm của trẻ chính là cha, mẹ.

Thêm vào đó, hàng ngày, hành vi "làm gương" vi hạm của một cá nhân cứ nhan nhản, dần trở thành thói quen chung của cộng đồng bởi nhiều nguyên nhân. Dễ thấy một người đi ngược chiều, phía sau là một dòng người khác làm theo.

Thói quen vi phạm lại được cộng đồng chấp nhận ngầm và lan rộng vì thiếu công cụ răn đe từ đầu. Cảm xúc làm trái nay trở nên bình thường.

Người đi xe máy rẽ sai quy định tại vòng xoay An Sương.

Ý thức là tự giác theo luật pháp

Ý thức hiểu đơn giản là tự giác tuân thủ luật chứ không phải chỉ tuân thủ khi có lực lượng chức năng.

Nhưng... để có sự tự giác, đòi hỏi sự công bằng tương đối. Có nghĩa là cũng trong tình huống vi phạm, ai cũng đều phải bị phạt giống nhau, không phân biệt địa vị xã hội. 

Một khi xã hội đã xuất hiện một số hành vi vi phạm luật có thể hoá giải bằng quan hệ, địa vị (làm nhẹ, không khởi tố dù gây hậu quả nghiêm trọng..) thì bộ phận người tham gia giao thông không tự giác cũng dễ giải thích. 

Lúc này, họ cho rằng luật chỉ là "công cụ" phân biệt địa vị xã hội, không hoàn toàn để điều chỉnh hành vi.

Ý thức đâu chỉ của riêng người dân

Không quá khó để thấy những chiếc xe biển số xanh vô tư chạy quá tốc độ, chen lấn, vượt phải với tấm bùa hộ mệnh là cơ quan, tổ chức Nhà nước. 

Đâu khó để thấy một khu vực với con đường nhỏ hẹp nhưng lại lừng lững xuất hiện vài cao ốc, chung cư sức chứa ngàn người. Những con đường vốn dĩ chật hẹp, nay lại càng trở nên "bức bí" bởi số lượng người "khổng lồ" tan tầm từ các cao ốc, chung cư mọc lên theo cái gọi là quy hoạch. 

Phân luồng, bố trí tuyến đường, xây dựng, nâng cấp, đặt biển báo cũng hoàn toàn không phụ thuộc ý thức của người tham gia giao thông. Những "cái bẫy" nhan nhản trên đường phố đôi khi đến từ chính người có trách nhiệm thực thi bảo đảm an toàn giao thông.  

Ý thức - kết quả cuối của một quá trình

Để xây dựng ý thức cho người tham gia giao thông, đòi hỏi một loạt điều kiện: cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, trách nhiệm thực thi quy định của cơ quan quản lý và sự công bằng trong pháp luật. 

Ý thức cần được hiểu là kết quả cuối cùng của cả một quá trình hình thành, xây dựng và phát triển các điều kiện.

Đặt nó trở thành "tiên phong" chính là sự "mơ hồ" trong giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong lĩnh vực giao thông hiện nay.