Giữa mùa dịch Covid-19, sống sao để được hạnh phúc?

(VOH) – Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) năm nay đến trong bối cảnh đặc biệt trên toàn cầu. Nhưng nó giúp người ta nhìn nhận hạnh phúc giản đơn, gần gũi và rõ ràng hơn.

Chưa bao giờ ở nhiều nơi trên toàn cầu, khái niệm "hạnh phúc" từ khi virus Corona len lỏi vào từng ngóc ngách, hơi thở trở nên chân phương đến vậy. Đó đơn giản chỉ là được sống, được khỏe mạnh, được hết bệnh, hay phổ quát hơn là được trở lại những ngày bình yên như trước.

Nhưng bình yên là cảm giác mà phải trải qua sóng gió, bấp bênh người ta mới nhận ra được đã từng có nó. Hạnh phúc cũng vậy. Trong cuộc chống chọi với virus siêu thông minh này, sự ngược đời xảy ra: trong bất ổn, người ta nhận ra gia đình mình đang ở cạnh nhau nhiều hơn, những bữa cơm gia đình dày dặn, ngọt lành hơn. Những mối bang giao, những cuộc hẹn làm ăn,... trước là chuyện quan trọng hơn mọi thứ, giờ phập phù với những nguy cơ. 

Trong mọi đình trệ, dù muốn dù không, người ta phải bỏ qua mọi suy tính, bon chen bên ngoài, để sống chậm rãi hơn, nhìn ngắm mọi thứ mình muốn “tối giản” hơn: đó là vượt qua mùa Covid-19 an toàn. Sự hoảng loạn khiến người ta bớt luýnh quýnh, tham lam trong những thứ lấp lánh như công danh, tiền tài…, để nhận ra, sau cùng thứ quan trọng nhất chính là mạng sống.

Những ngày chống chọi với Covid-19 “dạy” người ta nhiều về những điều để có được hạnh phúc:

Biết chia sẻ và yêu thương: Hình ảnh nữ y tá ở Vũ Hán chỉ kịp cúi gập vĩnh biệt người mẹ vừa qua đời, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, gạt nước mắt đến với những bệnh nhân nguy kịch, những người tình nguyện hi sinh sự an toàn, tính mạng bản thân mình để chống dịch, những nhà hảo tâm quyên tiền nghiên cứu vắc-xin, cứu trợ thuốc men, những dòng chữ “tại đây tặng khẩu trang” làm người ta ấm lòng trong mùa dịch. Nếu chỉ nghĩ cho mình, gom hết mì tôm trên kệ hàng chỉ khiến những người đến sau hoang mang lo lắng, tìm cách gom mua nơi khác, khiến tình hình nghiêm trọng hơn những gì đang xảy ra. Nếu ai cũng muốn vì mình mà mặc kệ người khác thì xã hội sẽ thế nào? Mua ít đi, dùng vừa phải có khi không phải vì chúng ta không có tiền, mà vì chúng ta biết nghĩ cho nhau.

Biết nghĩ đến cộng đồng: Khi thế giới phẳng đi, người ta lờ mờ nhận ra tính cộng đồng dường như không còn mấy giá trị. Nhưng không, khi đại dịch xảy đến, chống dịch cần triệu người, nhưng bùng dịch chỉ cần vài người. Chỉ là một bệnh nhân số 17 không khai báo trung thực khi trở về, không cách ly từ đầu mà chấm dứt 22 ngày yên ả trước đó của đất nước. Với nhiều doanh nghiệp, khi dịch bùng trở lại, họ mất cả gia tài. Với nhiều chung cư, khu phố, họ bị mất đi bao nhiêu thời gian giao lưu xã hội bình thường. Vậy đó, lịch trình của chỉ một người nhiễm bệnh như là một mạng lưới. Vài người chỉ nghĩ đến tiện lợi bản thân, đủ khiến mạng lưới kia chồng chéo và lan rộng đến mức nào? 

Giữa mùa Corona, sống sao để được hạnh phúc?

Ảnh minh họa: Internet

Biết tin điều đúng: Dịch bệnh không đáng sợ bằng tin giả. Ăn vịt lộn chống Covid, mua bán thẻ chống virus corona như kiểu diệt virus trong máy tính, bán vắc-xin làm từ nước cất…. Điều không tưởng này vẫn được đưa lên mạng xã hội, vẫn có người tò mò đọc, tin, làm theo hay chia sẻ…. Nguyên nhân sâu xa, vì chúng ta thiếu kiến thức đúng đắn, nên dễ “thẩm thấu” các thông tin sai lệch. Hoặc có khi ai đó thiếu niềm tin vào điều tích cực bởi không đủ “kháng thể” trước các thông tin nhiễu loạn xung quanh. Khoa học phát hiện ra rằng bản năng con người dễ bị thu hút bởi những tin tiêu cực hơn là tin tích cực. Nhưng cũng chính giới khoa học cũng đồng quan điểm rằng tin tốt, tin tích cực mới có khả năng giúp cơ thể chúng ta khoẻ mạnh hơn, phấn chấn hơn và chiến thắng bệnh tật.

Hãy biết ơn: Đêm qua, nhiều sinh viên trắng đêm dọn đồ, rời khỏi Ký túc xá Đại học Quốc gia để nhường nơi tá túc của mình cho những người cần cách ly phòng dịch Covid-19. Những ngày qua, đất nước gồng mình với mục tiêu lớn nhất, chống dịch hiệu quả nhất có thể, tạm chưa tính đến những gánh gồng chi phí cao và nền kinh tế phát sinh nhiều vấn đề. Nước mẹ chưa bao giờ ấm áp hơn khi rộng lòng đón những đứa con phương xa trở về dù từ bất cứ đâu. Nhiều người tặng nhau chiếc khẩu trang, chai xịt khuẩn không phải vì họ dư dùng, mà vì họ giàu tình thương. Nhiều bác sĩ hi sinh cái tết đoàn viên từ những ngày đầu chống dịch đằng đẵng đến giờ. Nếu ai đó được hưởng những ân tình đó, nếu chúng ta thấy mình vẫn đang may mắn hơn bao người trên trái đất phải gục ngã trước dịch bệnh, thì xin hãy biết ơn và đáp trả bằng lòng tử tế.

Trong đại dịch, cần biết tìm hạnh phúc để làm động lực vươn lên. Sau đại dịch, là lúc người ta biết cách ngắm nhìn hạnh phúc của mình bằng nhãn quan mộc mạc, trong trẻo nhất, để biết gạt bỏ những lấp lánh vô vị, để hiểu với mình, sống hạnh phúc nhất chỉ cần gì?

Gian dối, thiếu ý thức phòng dịch là tội ác với cộng đồng: Những hành vi thiếu ý thức, khai báo gian dối đó không chỉ phạm pháp, mà còn là tội ác với cộng đồng.

 

Châu Âu trở thành tâm dịch, vì sao nên nỗi?: Những ngày này, châu Âu đang trở thành tâm điểm của dịch Covid-19 với những diễn biến quá nhanh và phức tạp - tưởng chừng như mất kiểm soát.