Khách quan và công tâm khi nhận định

(VOH) - Việc HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, xây dựng nhà hát giao hưởng hơn 1.500 tỷ đồng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gây dư luận trái chiều những ngày qua.

Có người ủng hộ, người băn khoăn và không ít những ý kiến phản đối. Rõ ràng, trước các quyết định quan trọng từ chính quyền, người dân luôn sẵn sàng góp ý thẳng thắn, trách nhiệm với các cấp chức năng. Tuy nhiên với một vấn đề đang có nhiều tranh luận, thiết nghĩ cần có sự công tâm, khách quan trong mỗi ý kiến phản biện, nhận định.

Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 (Ảnh minh họa: Dân trí)

Đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để xây dựng nhà hát, chắc chắn đây không phải con số nhỏ. Trong bối cảnh hạ tầng đô thị còn nhiều ngổn ngang, người dân vẫn chưa hài lòng với những vấn đề thiết thân như: Ngập nước, kẹt xe, quá tải bệnh viện… dễ hiểu khi có những ý kiến băn khoăn, thận trọng. Chưa kể, nhà hát này lại xây tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận có sai phạm.

Vì lẽ đó, có thể lý giải những ý kiến băn khoăn, trái chiều từ người dân khi HĐND TP thông qua Nghị quyết đầu tư Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch tại kỳ họp thứ 10 vừa qua.

Nhiều ý kiến còn cho rằng làm dự án này chỉ lãng phí, thậm chí làm tăng khoảng cách giàu - nghèo vì “Nhạc giao hưởng vốn chỉ dành cho người giàu”. Nói như vậy là chỉ mới nhìn thấy một phía, chưa tổng thể và toàn diện cả vấn đề. Hơn nữa, chắc gì người giàu đã biết loại hình nghệ thuật này.

Cần khẳng định rằng, với đô thị đặc biệt như TPHCM, việc xây dựng một nhà hát tầm cỡ là cần thiết. Một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì đòi hỏi phải có những công trình xứng tầm, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập.

Trong quy hoạch, phát triển của thành phố, nhà hát chỉ là một trong tổ hợp công trình văn hóa sẽ xây dựng tại Thủ Thiêm, bên cạnh trung tâm triển lãm, quảng trường, cơ sở tôn giáo... Hơn nữa, dự án xây nhà hát đã có từ hơn 15 năm trước, tức ba nhiệm kỳ đã trôi qua. Nói thế để thấy rằng, thành phố đã có bước chuẩn bị khá dài nhưng vì nhiều lý do chưa thể triển khai.

Với cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội tán thành qua Nghị quyết 54, HĐND được trao thẩm quyền quyết định các dự án nhóm A - vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Thêm vào đó, theo quy định của Luật Đầu tư công, chủ trương đối với các dự án thuộc nhóm A phải được thông qua trước ngày 31/10 mới được ghi vốn cho năm sau, chứ không phải là vội vã hay bất thường. Hiểu cách khác, đó là kỳ họp chuyên đề thường kỳ của HĐND và việc thông qua dự án là cả quá trình chuẩn bị dài hơi, kỹ lưỡng.

Lẽ đương nhiên, người dân có quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến trước những vấn đề quan trọng. Thế nhưng quan điểm đó, chính kiến đó phải được hình thành trên sự hiểu biết cặn kẽ bản chất của vấn đề. Tránh sự chủ quan, nhập nhằng, thậm chí là “đánh tráo khái niệm” khi đưa ra nhận xét.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh đã dẫn chứng một nghiên cứu của Hristova, Aiello và Quercia tại Đại học Cambridge đăng trên tạp chí Frontiers in Physics cho thấy: Xây dựng các công trình văn hóa lớn như nhà hát, viện bảo tàng… sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chưa kể, nhà hát khi hình thành còn là nơi biểu diễn, giao lưu quốc tế; là môi trường để phát hiện, huấn luyện, đào tạo nhân tài nghệ thuật của đất nước.

TPHCM là đầu tàu kinh tế cả nước, với hơn 10 triệu dân sinh sống thì chắc chắn an sinh xã hội luôn được chú trọng. Tuy nhiên, vấn đề là cái nào hợp lý nhất, phù hợp nhất trong từng thời điểm. Trước nay thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền vào hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện... nhưng về lĩnh vực văn hóa thì gần như không đáng kể, chưa tương xứng. Không phải vì đầu tư nhà hát mà thành phố dừng lại các công việc cấp bách nói trên.

Mặt khác, nhà hát là công trình văn hóa, thuộc nhóm hạ tầng xã hội trong khi đường sá, bệnh viện, trường học thuộc hạ tầng xây dựng cơ bản. Đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau - đừng nhầm lẫn và đánh đồng chúng với nhau. Bởi lẽ thành phố vẫn đang thực hiện song song 2 nhiệm vụ này.

Nên nhớ, thời gian qua, đã có rất nhiều các công trình làm thay đổi diện mạo thành phố như: Hầm Thủ Thiêm (vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng), đại lộ Phạm Văn Đồng (vốn đầu tư 340 triệu đô la Mỹ) hay dự án cải tạo Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (khoảng 2.000 tỷ đồng)...

Nếu so số tiền đầu tư của các dự án trên thì có thể thấy tiền đầu tư cho nhà hát vẫn không bằng. Và mới đây, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch giảm ùn tắc và tai nạn giao thông giai đoạn 2018 - 2020 với kinh phí hơn 96.000 tỷ đồng.

Còn nếu viện dẫn bệnh viện quá tải thì thành phố vừa được Thủ tướng cho phép xây 3 bệnh viện đa khoa với tổng vốn hơn 5.600 tỷ đồng ở quận Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi. Rõ ràng, thành phố đã làm nhiều việc chứ không chỉ chú trọng riêng cho văn hóa nghệ thuật.

Không phủ nhận, đâu đó vẫn còn những công trình, những dự án ngàn tỷ gây thất thoát, lãng phí, ngay cả Thủ Thiêm cũng vậy. Những sai phạm tại đây đã được chỉ ra, không giấu diếm, không bao biện và thành phố đã rất cầu thị khi xin lỗi trực tiếp nhân dân. Những ai làm sai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Thủ Thiêm vẫn phải tiếp tục phát triển như kỳ vọng của thành phố.

Dự kiến năm 2022, nhà hát sẽ hoàn thành nhưng thực tế có thể còn lâu hơn. Thời điểm này, các cấp chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu. Song song đó nên có quy trình quản lý chặt chẽ nhằm tránh sự thất thoát, lãng phí nếu có.

Niềm tin sẽ hình thành nếu người dân thấy được sự nghiêm túc, cầu thị từ chính quyền và ngược lại, các ý kiến phản biện, đóng góp cũng cần công tâm và khách quan, trên tinh thần xây dựng chung.

Thành phố không chỉ phải xây nhà hát mà muốn phát triển bền vững, thành phố phải xây thêm nhiều công trình văn hóa xã hội nữa bởi thành phố này xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất!