Không lo ngại khi có nhiều bộ sách giáo khoa

(VOH) - Việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa sẽ mang lại nhiều lợi ích trong người học và cho xã hội nếu có cơ chế chính sách phù hợp.

Trước ý kiến lo ngại việc thực hiện 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều nhà chuyên môn khẳng định không quá lo ngại vì đã có lúc áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa khá hiệu quả.

Trên thế giới, việc một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa được thực hiện khá phổ biến, thậm chí ở cấp tiểu bang chứ không chỉ ở cấp quốc gia. Sự phổ biến này do các nước đã nhìn nhận đánh giá được lợi ích của việc nên có nhiều bộ sách giáo khoa trên nền tảng một chương trình học.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, ở nước ta đã từng tồn tại 4 bộ sách giáo khoa gồm: bộ sách giáo khoa của nhà giáo Phạm Toàn nhóm Cánh buồm, bộ sách công nghê giáo dục của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại, bộ sách chương trình VNEN tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới, và bộ sách giáo khoa hiện hành 2000.

Các bộ sách tồn tại cùng nhau theo những định hướng đối tượng cụ thể và thị trường sẽ là yếu tố sau cùng sàn lọc sách giáo khoa nào được đưa vào trường học.

Hình minh họa: internet

Cùng quan điểm nên có nhiều bộ sách giáo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lộc, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu chỉ sử dụng một bộ sách giáo khoa duy nhất, mức độ phù hợp với các đối tượng học sinh không nhiều. Vì thực tế mỗi vùng miền, ở những đối tượng trẻ em khác nhau sẽ có những đặc điểm, điều kiện khác nhau.

Mặt khác, việc cho phép sử dụng nhiều bộ sách khác nhau sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát huy, huy động được trí tuệ của xã hội mang đến những nội dung, phương pháp dạy học tốt hơn nhằm phục vụ cho sự phát triển của giáo dục. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lộc giải thích việc này đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng vùng, từng khu vực. 

Đối với lo ngại về tình trạng lãng phí sách giáo khoa như hiện nay, các chuyên gia cho rằng ở các nước, mặc dù có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng mỗi bộ sách thường được sử dụng nhiều lần, có thể từ 3 đến 5 năm. Những bộ sách được dùng chung nên học sinh không mang về nhà.

Trong khi đó, ở Việt Nam học sinh vẫn thường có thói quen sử dụng sách giáo khoa 1 lần. Cả nước với khoảng 17 triệu học sinh, thị trường sách giáo khoa hiện nay gần như mang tính độc quyền, lợi nhuận in sách dễ tập trung. Có thể cho rằng chi phí để in 1 bộ sách  sẽ tiết kiệm hơn chi phí in nhiều bộ sách về mọi mặt nhưng nghĩ rộng ra không hẳn như vậy.

Nhà nước có thể dùng quyền hạn của mình điều tiết như quy định mức trần giá sách. Trong điều kiện kinh tế thị trường, các nhà xuất bản cũng không để mức giá quá cao để người học khó tiếp cận. Vì vậy, dù có 5 hay 7 bộ sách giáo khoa nếu có những chính sách hợp lý vẫn có thể tránh được tình trạng lãng phí.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng không nên trở lại một chương trình một bộ sách giáo khoa: "Xung quanh vấn đề in sách giáo khoa rõ ràng có những lãng phí nhưng không phải ta gom lại một chương trình một bộ sách giáo khoa thì nó tiết kiệm hơn". 

Vì vậy, để phát huy tối đa lợi ích từ nhiều bộ sách giáo khoa, quyền chủ động lựa chọn cũng như lợi ích từ phía người sử dụng cần được đảm bảo.

Kinh nghiệm từ các nền giáo dục phát triển, nhà trường, giáo viên được trao quyền lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở tham khảo ý kiến của học sinh. Tuy nhiên, việc chủ động chọn lựa sách từ các trường rất phụ thuộc vào cơ chế.

Cơ chế đó phải đảm bảo không có bất kỳ áp lực nào buộc trường này hay địa phương kia phải sử dụng bộ sách của một nhà xuất bản nào đó. Khi đó, các trường không phải chọn sách trên cơ sở gánh vác những mục đích, lợi ích riêng, hay áp lực sử dụng bộ sách giáo khoa để bảo vệ lợi ích nhóm nào đó, mà từ hiệu quả thực sự của sách.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, việc lựa chọn sách giáo khoa do hội đồng trường, trong đó phụ huynh đóng vai trò quan trọng. Phụ huynh, xã hội sẽ căn cứ vào hiệu quả giáo dục cũng như bộ sách giáo khoa nhà trường lựa chọn, niêm yết công khai để quyết định chọn trường cho con em vào học.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cho rằng "thầy giáo sẽ là người chịu trách nhiệm trong nhà trường để chọn sách giáo khoa dạy ở lớp học của mình. Tốt nhất là phải ổn định trong một trường.

Không phải giáo viên dạy 4-5 lớp khác nhau sẽ áp dụng 4-5 sách giáo khoa khác nhau. Cơ sở lựa chọn là những năm trước họ dạy ra sao. Cuốn sách có đáp ứng những yêu cầu về mục tiêu dạy học hay không, chương trình môn học, chương trình phổ thông tổng thể và đã được thẩm định, thì nguyên tắc bộ sách có thể sử dụng ở bất cứ nhà trường phổ thông nào".

Việc có nhiều bộ bộ sách giáo khoa cùng nhằm mục đích hiện thực hoá chương trình, mục tiêu giáo dục là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Ngoài việc tránh hình thức độc quyền, những bộ sách giáo khoa với những phương pháp cách trình bày khác nhau nhưng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung chương trình và được thẩm định, sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho người học.

Hơn thế nữa, việc tiếp cận kiến thức với những góc độ khác nhau sẽ giúp cho học sinh có tư duy rộng mở, rèn luyện cho các em khả năng tìm kiếm, chọn lọc thông tin một cách hiệu quả nhất.