Kỳ vọng bứt phá từ những bệ phóng lịch sử

(VOH) - Những năm gần đây, thể thao Việt Nam đã có những nét khởi sắc ấn tượng, với những bước chuyển mình mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành công hơn cả mong đợi.

Kết quả tại SEA Games 2015 và 2017, các kỳ Paralympic, World Cup Futsal 2016, World Cup U20 thế giới 2017… Đỉnh cao là tấm HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh, HCV Paralympic của Lê Văn Công, hay chiến tích kỳ diệu của đội tuyển U23 Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á 2018 mới đây.

Những chiến công được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng chưa bao giờ khiến người hâm mộ thôi hưng phấn. Chiến tích quá đỗi tự hào, mà có lúc tưởng như giấc mơ, xa ngoài tấm với. Tất cả đã mang lại những niềm cảm hứng lớn lao, đồng thời cho thấy tiềm năng và sức bật mạnh mẽ của thể thao nước nhà.

Kỳ vọng bứt phá từ những bệ phóng lịch sử

Ảnh minh họa

Nhưng sau những vinh quang, làm thế nào để nối tiếp và phát huy thành quả lại là câu chuyện khác. Thể thao Việt Nam cũng từng thăng hoa, gặt hái những thành công ấn tượng, nhưng chưa thể tạo đà cho một cuộc bứt phá toàn diện.

Tại ASIAD 2002, thể thao Việt Nam đoạt đến 4 HCV nhưng các kỳ tiếp theo giảm dần. 2 kỳ Olympic gần nhất chỉ có vỏn vẹn 1 HCV. Số HCB có nhiều hơn, nhưng để thêm một bước lên đỉnh cao là cả một vấn đề lớn.

Với riêng bóng đá, ở thời điểm V-League được tung hô, đội tuyển quốc gia đã vào tứ kết Asian Cup 2007, vô địch Đông Nam Á AFF Cup 2008, những thành tích tốt nhất trước thời điểm U23 Việt Nam vào chung kết giải U23 châu Á vừa qua. Tuy nhiên, những thành công đó không thể là bệ phóng cho bóng đá Việt Nam bay cao. V-League xuống dốc bởi rất nhiều vấn đề nội tại như những khối u ác tính. Đó là những câu chuyện dài.

Khi thể thao Việt Nam chuyển hướng đầu tư từ dàn trải sang tập trung trọng điểm, khi bóng đá chú trọng nhiều hơn đến đào tạo trẻ, hiệu quả bước đầu là hết sức khả quan. SEA Games 2015 và 2017, Việt Nam hoàn thành tốt các chỉ tiêu, đặc biệt là thành tích nhóm môn trọng điểm Olympic. Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh lập đại chiến công với tấm HCV quý giá nhất trong lịch sử thể thao nước nhà.

Bóng đá trẻ, bóng đá trong nhà góp mặt thường xuyên hơn ở đấu trường châu lục, thế giới. Đó là bệ phóng cho một “Thường Châu rực lửa” hồi đầu năm, khi đội tuyển U23 Việt Nam làm nên một cuộc hành trình kỳ diệu, thẳng tiến vào trận chung kết giải U23 châu Á lần đầu tiên trong lịch sử. Không chỉ là chiến công, đó còn là ngọn lửa cảm hứng cho bóng đá, cho thể thao nước nhà.

Cần nhớ rằng, thành công không bao giờ đến tự nhiên. May mắn là một phần của cuộc chơi. Nhưng quan trọng hơn, để có trái ngọt, để gặt hái thành công là một quá trình đầu tư đầy tâm huyết và có chiều sâu. U23 Việt Nam là một ví dụ.

Hay tuyển futsal Việt Nam, một ví dụ khác. Thành công của U23 Việt Nam, của tấm HCV Olympic, chắc chắn là nguồn động viên, là bệ phóng mạnh mẽ cho thể thao nước nhà. “Tinh thần Olympic”, “Tinh thần U23 Việt Nam” bất khuất và kiên cường, không từ bỏ khát vọng dù đang ở vào hoàn cảnh cam go nhất được nhiều VĐV xem như động lực phấn đấu cao nhất của bản thân.

Thế nhưng, ngay khi niềm cảm hứng U23 vẫn còn hừng hực, người ta lại chứng kiến thượng tầng Liên đoàn bóng đá Việt Nam đấu đá nội bộ, tranh cãi gay gắt trước thềm Đại hội nhiệm kỳ mới. Khi lợi ích lấn át cái chung thì khó mà nghĩ đến việc giải quyết các vấn đề xấu xí, những tồn tại nổi cộm khác của bóng đá Việt như thời gian qua.

Những tồn tại như thế không hiếm với thể thao Việt Nam. Nhiều VĐV tài năng, nhưng do vướng vào những bất đồng không được giải quyết thỏa đáng giữa đơn vị chủ quản và ngành thể thao trong việc đầu tư, tập huấn nên chỉ dừng ở dạng tiềm năng.

Ngay như môn bắn súng, môn thể thao mà Hoàng Xuân Vinh bước lên đỉnh cao Olympic, nhiều VĐV đã và vẫn đang tập bắn bia giấy, bắn súng không có đạn, điều kiện cực kỳ thiếu thốn. Ở nhiều môn thể thao khác, việc đầu tư và kỳ vọng thành tích luôn tỷ lệ nghịch với nhau.

Thể thao Việt Nam đang sở hữu nhiều VĐV tài năng, hội tụ đầy đủ những yếu tố để bước lên đỉnh cao ở mọi cấp độ đấu trường, từ khu vực đến châu lục và thế giới. Đó là điều đáng mừng. Song từ những tồn tại, bất cập được kể ra đã cho thấy, thành quả mà chúng ta gặt hái thời gian qua vẫn chưa phản ảnh được sự phát triển bền vững của nền bóng đá, của nền thể thao.

Thành quả, chiến tích đã đạt được là trái ngọt của những nỗ lực  đáng tự hào, song để duy trì và phát huy lại là cả một hành trình dài. Trên hành trình đó, cần sự chung tay của nhiều nguồn lực, phải khắc phục cho được những khó khăn, tồn tại, những nghịch lý chủ quan.

Vì sự phát triển bền vững của thể thao nước nhà, khi cần thiết phải gạt sang một bên những lợi ích riêng, cục bộ. Điều này phụ thuộc vào những nhà quản lý, người điều hành liệu có tầm, có tâm, dám hy sinh cho sự nghiệp chung của thể thao Việt Nam. Khi đó, tin rằng, bước lên bệ phóng là những kỳ tích lịch sử, các thế hệ HLV, VĐV luôn nỗ lực để đủ sức đưa thể thao nước nhà bứt phá mạnh mẽ.