Lương tối thiểu phải đủ sống!

(VOH) - Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng hàng năm luôn là vấn đề quan tâm của người lao động bởi điều đó đồng nghĩa với thu nhập của họ được nâng lên.

Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng năm 2017 vừa được Chính phủ ban hành trong nghị định 153 quy định mức tiền lương cao nhất là 3.750.000 đồng và thấp nhất là 2.850.000 đồng. Ảnh minh họa: PNO

Người lao động mong muốn mức điều chỉnh năm sau cao hơn năm trước và sớm đạt được mốc tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình họ.

Tiền lương tối thiểu được quy định rất rõ tại điều 91 trong Bộ luật lao động sửa đổi 2012. Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ sẽ công bố mức lương tối thiểu vùng dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Hiện tại, mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2017 vừa được Chính phủ ban hành trong nghị định 153 quy định mức tiền lương cao  nhất là 3.750.000 đồng và thấp nhất là 2.850.000 đồng.

Theo các chuyên gia về lao động và tiền lương, mức tiền lương tối thiểu vừa được Chính phủ quy định cũng chưa thể đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Dựa trên khảo sát thực tế từ thu nhập và các khoản chi tiêu tối thiểu của người lao động như tiền thuê nhà trọ, điện nước, thực phẩm, quần áo, ốm đau, giải trí, nuôi con nhỏ, tiết kiệm dự phòng… thì mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu. Để đủ sống thì mức tiền lương tối thiểu phải gấp hơn 2 đến 3 lần hiện tại.

Thế giới đang áp dụng 5 loại hình lương tối thiểu. Một là lương tối thiểu là mức lương đủ sống. Hai là lương tối thiểu là mức lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, cơ bản. Ba là lương tối thiểu là mức lương chia sẻ lợi nhuận. Bốn là lương tối thiểu là mức lương năng suất và năm là lương tối thiểu là mức lương tiêu dùng.

Việt Nam và các quốc gia đang phát triển đang áp dụng loại hình tiền lương tối thiểu là mức lương đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Còn ở các quốc gia phát triển thì áp dụng loại hình trả lương tối thiểu theo năng suất lao động, lương tiêu dùng. Tuy nhiên, chưa có một tiêu chí nào để xác định rõ ràng mức sống tối thiểu hay nhu cầu sống tối thiểu. 

Thực tế tại Việt Nam, khảo sát gần đây của tổ chức công đoàn, có tới 75% người lao động cho rằng mức tiền lương hiện nay chưa đủ sống nên họ gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 33% người lao động cho rằng mức tiền lương hiện tạm chấp nhận và chỉ có 14% người lao động cho rằng có tích lũy nhưng mức tích lũy cực kỳ thấp.

Muốn đủ sống họ buộc phải làm tăng ca để có thêm thu nhập. Do vậy, họ không còn thời gian để vui chơi, giải trí hay giải quyết những nhu cầu cơ bản nhất của bản thân và gia đình đặc biệt là chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, không có khoản dự phòng cho khó khăn đột xuất.

Tiền lương không đủ sống cũng là 1 trong những nguyên nhân tác động đến năng suất lao động, biến động lực lượng lao động.

Song, cũng có những quan điểm cho rằng, phải tăng suất lao động thì mới có tiền lương cao. Điều này chưa nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia về tiền lương và lao động, bởi trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển khó đòi hỏi phải có năng suất lao động cao ngay lập tức.

Để có năng suất lao động cao  phải kết hợp từ nhiều phía.  Đối với chủ sử dụng lao động phải đầu tư công nghệ, cách quản lý tiến bộ, khoa học, đào tạo đội ngũ nhân lực, tiền lương, tiền thưởng, môi trường làm việc…

Còn người lao động thì cần nỗ lực trau dồi chuyên môn, tay nghề, tiếp cận được phương pháp làm việc hiệu quả, năng suất, làm chủ được công nghệ…Nhìn rộng hơn về phương diện quốc gia thì cần phải nâng cao chất lượng quản lý và đổi mới quản lý điều hành cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới về mọi mặt. Để tăng năng suất lao động quốc gia thì phải đổi mới chính sách về tiền lương.

Vấn đề tiền lương tối thiểu phải là lương đủ sống thì mới phù hợp với yêu cầu và nhu cầu hiện nay của người lao động cũng như của xã hội. Tăng lương chính là giải pháp để tăng năng suất lao động.

Vì khi đã có lương đủ sống người lao động yên tâm làm việc, từ đó giúp giảm biến động về lực lượng lao động ở phạm vi doanh nghiệp cũng như ở phạm vi vùng miền.

Tiền lương tăng cũng kích thích sự gắn bó, tạo động lực làm việc tốt hơn, gia tăng sáng kiến cải tiến. Hiệu quả cuối cùng mang lại từ động lực tiền lương tăng, chính là kích thích tiêu dùng tăng, giúp lưu thông hàng hóa và sự phát triển của nền kinh tế.