Một mũi tên nhắm tới nhiều đích?

(VOH) - Với sự kết nối của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đạt được một thỏa thuận hòa bình lịch sử bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao.

Với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đạt được một thỏa thuận hòa bình lịch sử bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao, khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Giới phân tích nhận định, thỏa thuận mới sẽ “sắp xếp lại” địa chính trị mới ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh. Và sâu xa hơn nó thể hiện những tính toán chính trị mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.

bình thường hóa quan hệ
Israel và UAE đã đạt một thỏa thuận bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao, do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. (Nguồn: Getty Images)

Theo bản thỏa thuận mới, Israel nhất trí ngừng sát nhập các khu vực thuộc Bờ Tây bị chiếm đóng. Như vậy, sau nhiều thập kỷ xung đột và cắt đứt quan hệ, nay Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE sẽ thành lập đại sứ quán và trao đổi đại sứ, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương, các công dân UAE có thể sẽ đến thăm nhà thờ Hồi giáo Al-Aksa ở Jerusalem.

Dư luận các nước đã có những phản ứng khác nhau về bản thỏa thuận này. Đức đã hoan nghênh thỏa thuận bình thường hóa quan hệ được đánh giá là lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, trong đó nhà nước Do Thái cam kết đình chỉ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ thuộc Palestine.

Oman cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, đồng thời hy vọng bước đi này sẽ tạo điều kiện cho việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Trung Đông. 

Trong khi đó, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lại phản đối thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE. Hãng Thông tấn quốc gia Iran (IRNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho rằng thỏa thuận trên là "nguy hiểm và bất hợp pháp". Iran cho rằng bước đi trên làm phương hại tới người Palestine. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE là nhằm viết lại trật tự chính trị Trung Đông, từ vấn đề Palestine cho tới cuộc chiến chống Iran.

Bản thỏa thuận mới là bản thỏa thuận thứ ba được ký kết giữa Israel với các nước Arab kể từ năm 1994. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, quan hệ giữa Israel và các nước Arab rơi vào tình trạng đóng băng.

Mặc dù Israel đã ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập vào năm 1979 và Jordani vào năm 1994, nhưng UAE và các nước Arab khác, đến nay vẫn không công nhận Israel và vẫn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tel Aviv. Vì thế, việc UAE nối lại quan hệ ngoại giao với Israel sau chừng ấy năm không chỉ là một sự bất ngờ mà còn là một bước đi làm thay đổi địa chính trị khu vực.

Thứ nhất, cùng với việc nối lại quan hệ ngoại giao, mở đường cho hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, với cả Isarel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE, thỏa thuận vừa đạt được dường như đều mang lại lợi ích địa chính trị to lớn.

Đối với Israel, thỏa thuận mới được cho là một sự thừa nhận “sự hiện diện” của nhà nước Do Thái trong khu vực. Từ chỗ coi Israel là kẻ thù, sự thay đổi về quan điểm chính trị của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE sẽ tạo ra một đệm mang tính chiến lược lâu dài đối với Mỹ và Israel, rồi đây sẽ có thêm quốc gia Ả rập “bước qua lời nguyền” để thừa nhận Israel.

Nhờ chủ động “xích lại gần” các quốc gia Arab từ nhiều năm nay và với diễn biến mới nhất- bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE chính là “trái ngọt” đền đáp cho những nỗ lực đó của Israel. 

Đối với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ giúp 2 quốc gia vốn thù địch nay có thể sẽ đứng chung chiến tuyến ứng phó với Iran, quốc gia nơi đa số người dân theo dòng Hồi giáo Shi-ai. Cả Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE từ lâu vốn coi Iran là “cái gai trong mắt” và thỏa thuận mới vừa được ký kết được cho là sẽ giúp 2 quốc gia này đứng chung một con thuyền trong việc hạn chế bớt ảnh hưởng của Iran-đối thủ mà họ coi là nguy hiểm trong khu vực.

Đối với Mỹ, thỏa thuận lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE là một tín hiệu vui trong bối cảnh Kế hoạch Hòa bình Trung Đông theo đuổi nhiều năm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trong bối cảnh cặp ứng cử viên Joe Biden-Kamala Harris đang giành ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận, việc Israel - Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE “bắt tay nhau” được ví như một thành công về chính sách đối ngọai có ý nghĩa và tác động quan trọng tới cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 sắp tới.

Xin nói thêm rằng trong bản thỏa thuận mới, Israel chấp nhận nhượng bộ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đồng ý tạm thời ngừng triển khai sáp nhập các khu định cư Do Thái, một động thái không chỉ xoa dịu phản ứng của các nước trong khu vực mà còn có thể giúp Tổng thống Donald Trump thoát khỏi tình thế khó xử “là bênh” Israel đồng thời mở đường kích hoạt lại Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà Mỹ đang theo đuổi.

Rõ ràng, cả Mỹ, Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE đều hưởng lợi nhiều từ việc UAE và Israel bình thường hóa quan hệ. Bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu đều có thể sử dụng thành công này để giảm bớt áp lực và khó khăn về đối nội. Còn Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE có thể nâng cao vị thế địa chính trị của mình trong khu vực với việc có thêm một đồng minh ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. 

Tuy nhiên, thỏa thuận mới giữa Israel - Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE không phải là không có rủi ro. Bởi lẽ Israel tạm ngừng sát nhập khu Bờ Tây không có nghĩa là nước này sẽ từ bỏ hoàn toàn chính sách mở rộng các khu định cư Do Thái. Nếu Israel vẫn tiếp tục đẩy mạnh chính sách này trong tương lai, nguy cơ đối đầu Israel và các nước Arab trong khu vực sẽ trở lại, phá vỡ các nỗ lực ổn định khu vực.

Nhưng xét về tổng thể, đây là một chiến lược của Israel và Mỹ trong việc lôi kéo các nước Arab cùng đối phó Iran, cũng như gây “vô hiệu hóa” rẽ sự ủng hộ của thế giới Arab đối với Palestine. Và đây cũng là một tính toán chính trị của Tổng thống Doanld Trump trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Nguyệt Minh

Tổng thống Mỹ thông báo Israel và UAE đạt thỏa thuận lịch sử về bình thường hóa quan hệ - Ngày 13/8 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đạt được thỏa thuận về việc bình thường hóa quan hệ.

Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh và việc bình thường hóa quan hệ với các nước lớn - Đại tướng Lê Đức Anh đã được tin tưởng giao trọng trách “mở đường” trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.