Năm học mới - kỳ vọng từ những thay đổi tích cực

(VOH) - Năm học mới 2020-2021, một năm học với nhiều sự kỳ vọng, với nhiều sự thay đổi lớn đang diễn ra tại các địa phương, trên khắp các vùng miền cả nước.

Hân hoan, náo nức nhưng cũng đầy chăm chút và thận trọng.

Bên cạnh hình ảnh các em học sinh xúng xính trong trang phục mới, với niềm hân hoan tham dự lễ khai trường, chắc chắn cũng không ít học sinh ngồi nhà chào đón năm học mới qua màn hình ti vi hay các thiết bị kết nối. Nhưng dù bằng hình thức nào, thì ngày khai giảng năm nay cũng  đã vượt qua được các giới hạn về không gian -  thời gian và diễn biến phức tạp của dịch bệnh để khẳng định ý nghĩa của mình.

Năm học mới - kỳ vọng từ những thay đổi tích cực
Vui tươi ngày khai trường của học sinh Trường Trung học Phổ thông Mạc Đĩnh Chi (quận 6).

Còn nhớ, nhiều năm nay, cứ mỗi mùa tựu trường, xã hội lại đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của lễ khai giảng, khi mà phần lớn học sinh đã tập trung, học tập, sinh hoạt từ nhiều tuần trước đó. Các em không còn cảm xúc bồi hồi của ngày đầu tiên đi học, không còn niềm hân hoan gặp lại thầy, gặp lại bạn sau những ngày nghỉ hè. Tính hình thức, sự nhàm chán... cũng nảy sinh, làm giảm đi những ý nghĩa thực sự của ngày lễ quan trọng trong quãng đời đi học của biết bao học sinh.

Tuy nhiên, ngày khai giảng năm nay đã khác, theo yêu cầu của ngành giáo dục, các trường chỉ tập trung học sinh từ đầu tháng 9 và đồng loạt tổ chức khai giảng vào sáng ngày 5/9. Các em đến trường dự lễ khai giảng sau gần 2 tháng nghỉ hè, nên sự nô nức gặp lại bạn bè thầy cô, sự nôn nao đón chào năm học mới hầu như đong đầy và nguyên vẹn. Rõ ràng, đây là một sự khởi đầu tốt đẹp.

Có thể thấy, dịch Covid-19 mang đến nhiều sự tổn thất, lo lắng, nhưng cũng mang đến cho chúng ta cơ hội thay đổi. Thay đổi không chỉ ở ngày "lễ khai tâm khai trí", ở khung thời gian năm học, mà thay đổi trong cách thức tổ chức dạy học và cả tư duy của người thầy. Nội dung chương trình học được rà soát, xem xét rút ngắn nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh, và cũng để thích ứng với yêu cầu mới về phẩm chất và năng lực của những công dân tương lai. Khi mà áp lực thời gian, chương trình học vẫn thường là lý do, rào cản cho những đổi mới.

Đáng mừng là sự thay đổi này đã và đang mang đến những tín hiệu tích cực, khi thiết lập được nền tảng dạy học mới, phù hợp hơn với yêu cầu của  thời đại. Giáo viên và học sinh, từ việc dạy học theo lối truyền thống, thì nay một mặt chủ động tìm tòi, một mặt buộc phải sẵn sàng tâm thế thích ứng, chuyển đổi. Những bài giảng trực tuyến, những room chat sáng đèn, những đường truyền tốc độ, những bài tập online, và những kênh youtube dạy học thiết thực ... ngày càng phát triển. Thực tiễn đã đặt ra những bài toán và mỗi người làm công tác giáo dục phải chủ động tìm lời giải. Và sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua là một minh chứng hùng hồn, một kết quả khích lệ.

Bước vào năm học mới, sự thay đổi này lại càng cần thiết khi cả nước bắt tay vào thực hiện Chương trình phổ thông 2018, chương trình được kỳ vọng mang lại sự thay đổi căn bản cho thế hệ con người mới. Chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng nơi học sinh những năng lực cần thiết để hội nhập, đồng thời là những phẩm chất thiết yếu của một công dân tương lai. Để thực hiện hiệu quả công tác này, tâm thế chủ động của giáo viên, ý thức tự học của học sinh và nền tảng công nghệ dạy học là một trong những yếu tố then chốt.

Có thể thấy, lễ khai giảng năm nay dù được yêu cầu ngắn gọn, nhưng ý nghĩa và sự thay đổi của Lễ đã lưu dấu một bước dài trên tiến trình lịch sử. Ở đó, ngành giáo dục đã vượt lên những áp lực thời gian, áp lực thành tích, để trao trả vẹn nguyên ý nghĩa sâu sắc của ngày Lễ khai trường. Và chắc rằng khi đó, không chỉ nhà văn Thanh Tịnh trong tác phẩm "Tôi đi học" mà bất kỳ trẻ em nào cũng có được "những cảm giác trong sáng ... nảy nở trong lòng ... như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng".

Tuyết Nhung