Nguy cơ xung đột trực tiếp Iran – Israel

(VOH) - Vấn đề hạt nhân Iran đột ngột căng thẳng khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa đến hạn chót Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra câu trả lời có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay không.

Trong bối cảnh ấy, Israel hôm 30/4 bất ngờ đưa ra một tuyên bố “gây chấn động” dư luận, khi cáo buộc Iran sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Ngay lập tức, Quốc hội Israel đã phê chuẩn Luật cho phép Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Israel được quyền tuyên bố chiến tranh. Những động thái liên tiếp này khiến dư luận lo ngại một cuộc chiến tranh khu vực mới khi Israel có thể tấn công phủ đầu Iran với cáo buộc ngăn chặn vũ khí hạt nhân của Iran. 

30/4, trong một bài thuyết trình trên truyền hình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cung cấp các bằng chứng cáo buộc Iran bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân trong một dự án có tên Amad. Theo ông Benjamin Netanyahu, Israel hiện đang nắm giữ khoảng 500 kg tài liệu mật, trong đó có 55 ngàn trang tài liệu chứng minh Iran đang chế tạo và thử nghiệm đầu đạn hạt nhân. Theo một quan chức cấp cao của Israel, các tài liệu vừa nêu do cơ quan tình báo Israel thu thập được từ tháng 2/2016 trong một nhà kho ở phía Nam thủ đô Tehran.

Hình minh họa: internet

Cáo buộc này ngay lập tức đã gây ra những phản ứng khác nhau. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cáo buộc Israel tuyên truyền chống Iran và nhấn mạnh những cáo buộc này “đã lỗi thời” vì các thông tin đã được cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xử lý trước đó. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho rằng hành động của Israel là có “tính toán” khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, Mỹ sẽ công bố chính thức việc có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết với nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc) năm 2015 hay không.

Khi dư luận đang “bán tín bán nghi”, thì Mỹ đã xác nhận các thông tin tình báo của Israel về “Dự án Amad” là đáng tin cậy và và thuyết phục. Tuy nhiên, cựu Tổng thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) ông Olli Heinonen cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận một số tài liệu mà Thủ tướng Israel trình bày vào đầu năm 2005 và xác nhận Iran đã chấm dứt dự án Amad vào năm 2003. Trong khi đó, một cựu trợ lý của cựu Tổng thống Mỹ Obama và là thành viên đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, ông Robert Malley cho rằng những cáo buộc này “không có gì mới”.

Trong bối cảnh các bên vẫn đang tranh cãi chưa ngã ngũ, một động thái đáng chú ý khác, Quốc hội Israel đã phê chuẩn một điều luật cho phép Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Quốc phòng nước này được quyền tuyên bố chiến tranh. Điều này khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Liệu Israel có tấn công phủ đầu Iran với cái cớ ngăn chặn vũ khí hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này hay không?

Giới phân tích cho rằng, một cuộc tấn công Iran như vậy sẽ khó xảy ra. Thứ nhất, tình hình Trung Đông đã đặc biệt căng thẳng khi cùng một lúc chìm trong nhiều cuộc xung đột, trong đó có Israel và Paletine, nội chiến Syria và chiến tranh Iraq. Do đó, không bên nào dại gì phát động chiến tranh. Thứ hai, bản thân Israel-dù hù dọa tấn công Iran, nhưng cũng không muốn sa lầy vào những nguy cơ mới khi quốc gia này đang phải đối mặt với sức ép từ các nước A-rập và sự cô lập của cộng đồng quốc tế, sau khi Mỹ tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán về Giê-ru-sa-lem (Jerusalem).

Đáng chú ý, những công bố của Israel diễn ra giữa lúc ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran kể từ ngày 12/5 tới, nếu thỏa thuận này không được sửa đổi, theo hướng cứng rắn hơn với Tehran. Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rohani khẳng định Iran không chấp nhận đàm phán lại thỏa thuận lịch sử năm 2015 với các cường quốc thuộc nhóm P5+1.

Vậy, động cơ thực sự của Israel là gì?

Có vẻ như, mục tiêu chính của Israel là hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran. Không thể phủ nhận từ tháng 2/2018 đến nay, mâu thuẫn giữa Israel và Iran không ngừng gia tăng, với nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp có thể xảy ra. Nhưng, cứ đến thời điểm kề sát “miệng hố chiến tranh”, cả Israel và Iran đều xuống thang giảm bớt căng thẳng. Bằng chứng là tháng 1/2015 và hồi tháng 2/2018, mâu thuẫn Israel-Iran đã lên tới đỉnh điểm, nhưng rốt cuộc cả hai bên đã tự kiềm chế và chọn giải pháp xuống thang.

Ở thởi điểm náy, khi căng thẳng Iran-Israel chực chờ bùng phát, câu hỏi số phận thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 sẽ ra sao lại được đặt ra.

Với giả thuyết nếu Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và Iran không chấp nhận tái đàm phán lại thỏa thuận này theo yêu cầu của Mỹ thì đang có nhiều kịch bản xảy ra. Trong đó, nguy hiểm nhất là Israel có thể viện cớ tấn công Iran. Do đó, người ta đang nín thở chờ xem ông Donald Trumgp sẽ đưa ra quyết định như thế nào vào ngày 12/5 sắp tới.

Hiện, có nhiều kịch bản có thể xảy ra trước khi nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra quyết định ngày 12/5. Thứ nhất, các nước Anh, Pháp, Đức có thể nhượng bộ những yêu cầu của Tổng thống Donald Trump và nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt mới với đối với Iran vì chương trình tên lửa đạn đạo và sự can dự của Iran trong khu vực. Lúc này, chắc chắn Iran sẽ đưa ra các phản ứng cứng rắn hơn đáp trả. Như vậy, quan hệ Iran-Mỹ-phương Tây sẽ căng thẳng khó giảm.

Thứ hai, Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng không ngăn cản hợp tác kinh tế của các nước châu Âu với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt thứ cấp hoặc từ bên ngoài lãnh thổ. Trong tình huống này, phản ứng của Iran sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nước còn lại. Nếu Nga, Trung Quốc và nhất là châu Âu hành động tích cực nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và chống lại các nỗ lực rút lui của Mỹ, Iran sẽ được khuyến khích duy trì thỏa thuận.

Thứ ba, Tổng thống Donald Trump có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, bao gồm các lệnh trừng phạt thứ cấp nhằm vào hoạt động thương mại quốc tế với Iran. Trong trường hợp này, hoạt động thương mại của châu Âu với Iran có thể sụp đổ. Do đó, Iran buộc phải đối mặt với sự lựa chọn rời bỏ thỏa thuận, dù vẫn tham gia vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp đó, Iran có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, khôi phục hoạt động làm giàu Uranium lên đến 20% và trục xuất các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khỏi Iran. Rất có thể, Israel sẽ có hành động cứng rắn như giải pháp quân sự với Iran nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Do đó, cả Israel và Iran đều sẽ phải cân nhắc từng động thái rất cẩn thận.

Trường hợp cuối cùng, Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận và theo đuổi lộ trình gây sức ép tối đa với Iran, kể cả sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Điều này sẽ buộc Iran xem xét rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân để gây sức ép với Mỹ quay lại đàm phán với Iran. Kịch bản này sẽ đánh dấu điểm tồi tệ nhất trong lịch sử quan hệ Mỹ-Iran và dự báo về một cuộc xung đột tiềm tàng tàn phá Trung Đông, đồng thời khiến các nỗ lực duy trì ảnh hưởng của phương Tây ở khu vực này “tan thành mây khói”.

Đây cũng là lý do khiến Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức lần lượt sang thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump trong 1 tuần qua. Hiện, chưa rõ những động thái từ phía Israel sẽ tác động ra sao tới quyết định của Mỹ trong việc có duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không, nhưng một điều chắc chắn là mối quan hệ Israel – Iran sẽ leo thang lên mức độ căng thẳng mới. Điều này không chỉ tác động đến thỏa thuận hạt nhân Iran mà còn có thể tác động đến chiến trường Syria, nơi mà Iran là bên ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad./.