Nhiều thách thức trong việc ứng phó với đại dịch toàn cầu

(VOH) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng trong tuần thứ hai của tháng 10, số ca mắc COVID-19 được xác nhận tại châu Âu tăng cao gần gấp 3 lần so với thời điểm đỉnh dịch đầu tiên

Hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khép lại sau gần 1 tuần làm việc với chủ đề chính xoay quanh những thách thức đối với hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đã có nhiều vấn đề đặt ra tại 2 hội nghị quan trọng này, trong đó câu hỏi lớn nhất là: Làm sao để giúp các quốc gia ứng phó với đại dịch?

Các hội nghị tài chính toàn cầu lần này mở đầu với lời kêu gọi tăng cường hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất ứng phó với những tác động khắc nghiệt của đại dịch COVID-19 để đảm bảo cả hệ thống kinh tế toàn cầu cùng tăng trưởng trở lại một cách vững chắc. Cùng với đó, cả hai tổ chức tài chính hàng đầu thế giới là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều đưa ra cảnh báo về những “vết sẹo lớn” mà đại dịch sẽ để lại trong nhiều năm tới, đồng thời kêu gọi thế giới đoàn kết với những biện pháp đồng bộ, đột phá nhưng cần cẩn trọng và ưu tiên mục tiêu hồi phục bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Kristalina Georgieva nhận định: hơn 9 tháng qua, thế giới vẫn đang nỗ lực không ngừng để xua đi bóng đen từ cuộc khủng hoảng đại dịch đã khiến hơn 1 triệu người tử vong, đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế, kéo các chỉ số thất nghiệp tăng vọt, đẩy thêm nhiều người vào tình trạng nghèo khó. Đó là chưa kể, đại dịch còn dẫn tới nguy cơ hình thành “một thế hệ mất phương hướng” ở những quốc gia thu nhập thấp. Trong dự báo mới nhất, IMF cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ giảm 4,4% trong năm nay với tác động thậm chí còn tiếp tục kéo dài thêm vài năm nữa.  

Trên thực tế, số ca mắc COVID-19 trên thế giới đang tăng vượt các mức từng ghi nhận trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Làn sóng lây nhiễm mới tại châu Âu rất đáng lo ngại khi hơn 50% các nước Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cảnh báo đỏ về COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng trong tuần thứ hai của tháng 10, số ca mắc COVID-19 được xác nhận tại châu Âu tăng cao gần gấp 3 lần so với thời điểm đỉnh dịch đầu tiên trong tháng 3 năm nay. Dù số ca tử vong tại “lục địa già” tuần qua thấp hơn nhiều so với hồi tháng 3, song số ca mắc và nhập viện gia tăng khiến nhiều bệnh viện có nguy cơ quá tải. Đại diện WHO tại châu Âu cũng cảnh báo mức độ tử vong do COVID-19 ở châu Âu có thể cao gấp 4-5 lần so với thời điểm tháng 4 nếu như từ nay đến tháng 1/2021 không có các biện pháp chặn đà lây lan của dịch bệnh. Tại điểm nóng dịch Ấn Độ, mặc dù số ca mắc mới tính theo ngày đã chậm lại, trung bình khoảng 70.000 ca mỗi ngày, song tốc độ lây nhiễm vẫn cao. Nếu tính từ mốc 6 triệu đến mốc 7 triệu ca nhiễm được ghi nhận ngày 11/10 vừa qua, có thể thấy rõ chỉ trong vòng 13 ngày quốc gia Nam Á này đã có thêm 1 triệu ca mắc. Hiện, các nước vẫn đang tìm lối thoát khỏi suy thoái kinh tế nhờ những đối sách kinh tế vĩ mô đặc biệt. Tuy nhiên, với tương lai không được đảm bảo, kinh tế đang phục hồi một cách chập chững, không đồng đều trong các lĩnh vực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo COVID-19 sẽ gây ra “những vết sẹo lâu dài” đối với nền kinh tế toàn cầu như tăng trưởng năng suất thấp, trong khi gánh nặng nợ nần, bất ổn tài chính, bất bình đẳng và nghèo đói gia tăng. Chuyên gia phân tích của hãng tin Bloomberg Mohamed A. El-Erian cho rằng đại dịch sẽ tác động lâu dài dến đời sống của các hộ gia đình, những người tiêu dùng và gây ra nhiều thiệt hại đối với ngành giải trí, du lịch và lưu trú.

Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới WB cũng cảnh báo khoảng 150 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên trong 2 thập niên qua, tình trạng này gia tăng. Mặt khác, cuộc khủng hoảng  này sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt với phụ nữ.

Do đó, IMF đưa ra 2 kịch bản kinh tế thế giới dựa theo những chiều hướng trái ngược của cuộc chiến chống COVID-19. Theo kịch bản thứ nhất, nếu cuộc chiến chống COVID-19 tiếp tục khó khăn hơn dự kiến, buộc các chính phủ phải tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thì hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục bị kìm hãm, trong đó các nền kinh tế mới nổi chịu tác động mạnh gấp đôi so với các quốc gia phát triển. 

Kịch bản thứ hai là khi cuộc chiến với COVID-19 mang lại phần thắng cho các quốc gia, thì các chỉ số tăng trưởng kinh tế từ năm 2021-2023 đều sẽ cải thiện. Việc thế giới đạt những tiến triển nhanh chóng trong điều trị và phòng ngừa COVID-19 sẽ giúp cải thiện lòng tin tiêu dùng, đưa các lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất bật tăng trở lại nhanh chóng hơn và kích thích chi tiêu trong toàn bộ các lĩnh vực kinh tế. Trong thời ddiemr hiện nay, Tổng Giám đốc IMF cảnh báo tất cả các quốc gia hiện đang đối mặt với một “chặng lội ngược dòng dài hơi” tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID19, đe dọa ngăn chặn tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ thế giới và Ngân hàng Thế giới đều nhất trí rằng một trong những yếu tố quan trọng giúp quyết định phần thắng trong cuộc chiến này là hợp tác toàn cầu trong phát triển và phân phối vaccine phòng bệnh. Bởi khi dịch bệnh được đẩy lùi tốc độ phục hồi kinh tế cũng sẽ được đẩy mạnh, tạo ra thêm 9.000 tỷ USD thu nhập toàn cầu vào năm 2025.  Trong một phát biểu mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: nếu thiếu đoàn kết và phối hợp hành động, thì COVID19 sẽ khiến hàng triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói và gây ra những tác hại kinh tế nghiêm trọng trong dài hạn.