Niềm tin và kỳ vọng mới

(VOH) - Trong một xã hội học tập, vì một xã hội học tập, đầu tư cho giáo dục được coi là quốc sách, ngày khai giảng chính là ngày hội của toàn dân.

Từ ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hồi tháng 9/1945, 74 năm qua, từ một nền giáo dục thực dân, nô lệ, căn bản thất học, nền giáo dục cách mạng đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, mang đến cho mọi người, mọi nhà một sự thụ hưởng giáo dục bình đẳng. Cũng chính giáo dục đã góp phần đưa dân tộc vươn mình, xã hội phát triển ổn định, kinh tế từng bước tăng trưởng mạnh mẽ. Bao nhiêu thế hệ học sinh Việt Nam đã khẳng định trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Bao nhiêu thế hệ hiền tài, trí thức cách mạng, kỹ sư và thợ lành nghề, đã và vẫn đang nối tiếp đóng góp sức mình dựng xây đất nước.

Dù điều kiện còn khó khăn, song nhiều năm qua, Nhà nước luôn dành phần lớn ngân sách cho giáo dục. Người người, nhà nhà đều chú trọng việc học tập của con em. Gánh vác sứ mệnh và trọng trách, những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học có hiệu quả tích cực. Đại đa số các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì học sinh. Gia đình, nhà trường và xã hội đã chung tay tạo những điều kiện, môi trường tốt nhất có thể cho bao lớp học trò. Trường lớp, cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục ngày càng được nâng cấp, khang trang, thiết bị tiên tiến. Các em học sinh, sinh viên hăng say học tập, rèn luyện để xứng đáng là thế hệ tương lai đất nước. Các chương trình khuyến học, khuyến tài, mỗi năm trao hàng trăm ngàn suất học bổng, hàng triệu phần quà, giúp các em, đặc biệt là những học sinh nghèo, hiếu học có thêm động lực tiếp tục cắp sách đến trường, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu, ngành giáo dục đã và vẫn đang đối mặt với bao nhiêu là khó khăn, thách thức, bất cập. Những yếu kém và hạn chế làm trì trệ ngành giáo dục nhiều lần được chỉ ra thẳng thắn. Nhưng đáng lo là có những điểm hạn chế tồn tại rất dai dẳng, chuyển biến chậm. Trong đó, chất lượng đào tạo không đến nơi đến chốn - sẽ khiến chúng ta hụt hơi, chậm nhịp trong tiến trình hội nhập sâu rộng - cần phải sớm cải thiện. Chương trình học còn nặng nề, bệnh thành tích vẫn đeo đẳng suy nghĩ nhiều người. Từ những đô thị phát triển, đến khắp các vùng sâu, vùng xa, đâu đó vẫn còn những ngôi trường rách nát, thiếu thốn đủ bề. Rồi chuyện dài nhiều tập về việc chăm lo chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên - có lẽ vẫn còn được nói nhiều trong thời gian tới…

VOH, khai giảng, giáo dục

Hình minh họa: P Nguyệt

Nhưng từ trong khó khăn, hầu hết thầy cô giáo, cán bộ nhân viên ngành giáo dục đều nỗ lực làm hết trách nhiệm trong sự nghiệp trồng người, đưa con chữ đến với bao thế hệ học sinh. Kiên nhẫn và thầm lặng. Ngành giáo dục vừa kết thúc chặng đường đầu tiên sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Năm 2019 là năm cuối để thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”... 

Do đó, 2019 cũng là năm bản lề mang đậm dấu ấn đổi mới, tạo tiền đề, động lực và cả niềm tin cho giai đoạn phát triển, đổi mới tiếp theo của giáo dục. Việc đẩy nhanh, khắc phục hiệu quả những bất cập để giáo dục vững bước đi lên sẽ góp phần củng cố niềm tin của xã hội vào môi trường giáo dục, đào tạo những thế hệ “vừa hồng vừa chuyên”.

Trong thư gửi các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới, ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn năm học mới các nhà trường tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. "Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động trong ngành giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp "trồng người"; mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, "tôn sư, trọng đạo" của dân tộc, noi theo thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt…”. Mong muốn của người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng là mong muốn của mỗi phụ huynh và học sinh trong ngày khai giảng thiêng liêng, chuẩn bị cho một năm học hăng say, chất lượng.

Khai giảng năm học mới cũng là thời điểm gieo niềm tin mới, kỳ vọng mới. Nhiều vấn đề cũ, tồn tại dai dẳng được kỳ vọng sẽ giải quyết hiệu quả bằng một nhận thức mới, quyết tâm mới của toàn ngành giáo dục, nỗ lực hơn nữa để khắc phục những yếu kém kéo dài trong thời gian qua.

Cùng với đó, là kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực của cả phụ huynh và mỗi học sinh. Đặc biệt là mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tiềm năng của mỗi học sinh. Chính các em học sinh cần phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng khát vọng, nỗ lực rèn luyện, học tập, bồi dưỡng tri thức, trí tuệ và đạo đức, hướng đến xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, tiếp bước cha anh xây dựng Tổ quốc.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Mấy lời để lại

(VOH) - Tâm huyết cả cuộc đời, Bác dồn hết vào từng con chữ, Bác viết về Đảng, về Đoàn Thanh niên, viết về mọi việc của đất nước...

 Hiểm họa từ những bình gas mini tái sử dụng

(VOH) - Mới đây, tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ cháy bình gas mini, thiêu rụi nhiều tài sản ở 6 ki-ốt xung quanh, khiến nhiều người hoảng loạn.