Nơi có thể tháo gỡ bất đồng?

(VOH) - Hôm nay (28/6), hội nghị Thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc tại thành phố Osaka (Nhật Bản).

Tham dự hội nghị có các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi. Hội nghị năm nay sẽ tập trung thảo gỡ những thách thức đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, dư luận dành sự chú ý đặc biệt vào các cuộc gặp của lãnh đạo các cường quốc trong khuôn khổ hội nghị.

Nhóm các nền kinh tế lớn G20 được thành lập năm 1999, bao gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italia, Canada cùng một số thành viên khác như Liên minh châu Âu (EU), BRIC (Braxin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ) và các quốc gia: Hàn Quốc, Argentina, Australia, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị Thượng đỉnh G20 là diễn đàn cấp cao của lãnh đạo 20 quốc gia phát triển, lãnh đạo EU, một số chủ thể tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới (WB)..., và lãnh đạo một số nền kinh tế đang trỗi dậy. Nhóm G20 có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu khi chiếm 2/3 dân số, sản xuất ra 90% tổng sản phẩm và 80% giao dịch thương mại toàn cầu.

Năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, G20 tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên thông qua Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Đến nay, nhóm G20 đã tổ chức 12 Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận và thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về các vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu. Hội nghị Thưởng đỉnh G20 năm nay được tổ chức từ ngày 28-29/6/2019 tại thành phố Osaka (Nhật Bản).

Theo dự kiến, trong 2 ngày (28-29/6) hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ có 4 phiên thảo luận về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo và kinh tế số… Tại Hội nghị G20 năm 2019 này, Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản. Việc Việt Nam thường xuyên được mời tham dự Hội nghị G20 những năm gần đây cho thấy vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng. Tại hội nghị năm nay, Việt Nam sẽ tham dự tất cả các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.

Tuy nhiên, tâm điểm chú ý đặc biệt của Thượng đỉnh G20 năm nay không còn tập trung vào những vấn đề thương mại toàn cầu mà còn cả những hồ sơ quốc tế nóng khác. Thứ nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Đô nan Trăm dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản ngày mai (29/06) để tháo gỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại song phương. Phát biểu với báo giới trước chuyến đi, ông Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối tuần này. Trong trường hợp ngược lại, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế mới lên hàng hóa của Trung Quốc. Đáng chú ý, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có thể sẽ đăng đàn phát biểu ngay trước thềm Thượng đỉnh G20. Theo đó, Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng với Mỹ, với hàng loạt cáo buộc lên án một Trung Quốc thù địch và đang phá vỡ các quy tắc. Giới phân tích nhận định cùng với các bình luận về Hong Kong, bài phát biểu này sẽ làm leo thang căng thẳng và chạm vào “giới hạn đỏ” mà Trung Quốc đặt ra.

Cuộc gặp thứ hai chính là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin. Đây sẽ là cuộc gặp được Đảng dân chủ Mỹ mong chờ. Bởi ở Mỹ vẫn còn ý kiến cho rằng Tổng thống Trump vẫn nhận một “sự hậu thuẫn” đặc biệt từ phía Nga. Trên thực tế, các rắc rối đối nội nảy sinh mà Tổng thống Trump phải đối mặt đều xuất phát từ những cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016. Kể từ đó, mối quan hệ Mỹ-Nga luôn gặp sóng gió do việc Nga được cho là can dự vào tình hình Ukraine, Syria và giờ đây là Venezuela, những nơi vốn được coi là khu vực ảnh hưởng của Mỹ.

Trong khuôn khổ G20 lần này, giới phân tích nhận định cuộc gặp song phương khó đoán nhất có thể là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, quốc gia đồng minh đã quyết tâm mua và sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào tháng Bảy tới. Thương vụ này đã làm mất thể diện Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), không chỉ vì hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO mà còn bởi nó có thể làm suy yếu năng lực tàng hình của chiến đấu cơ F-35 và làm rò rỉ các dữ liệu nhạy cảm về chiến đấu cơ này cho Nga. Quan trọng hơn, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được ví như “một cái tát”thẳng vào mặt Mỹ và NATO bởi chưa từng có một thành viên nào của NATO lại đi mua và sử dụng vũ khí của Nga, đối thủ truyền kiếp của NATO. Còn đối với Nga, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu thắng lợi lớn nhất của Nga trong nỗ lực nhằm gây rạn nứt trong liên minh NATO. Do đó, giới phân tích nhận định mặc dù phần lớn sự chú ý ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ tập trung vào các cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình; hoặc giữ nhà lãnh đạo Mỹ và Nga nhưng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể lại gây ra “hậu quả” lớn nhất.

Có thể nói, thượng đỉnh G20 hôm nay đã và đang tạo ra sức nóng lớn nhất trong các mối quan hệ quốc tế và dư luận đang chờ xem “sức mạnh” nào có thể chi phối G20./.