Nước cờ mới hé lộ nhiều ẩn số trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ

(VOH) - Thông tin đáng chú ý cuối tuần này đó là với sự trung gian của Mỹ, CH Serbia đã bình thường hoá quan hệ kinh tế với Kosovo.

Đây là lần đầu tiên Serbia đồng ý bình thường hoá quan hệ với Kosovo kể từ khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008. Có rất nhiều ẩn số xung quanh câu chuyện này, nhưng ở góc nhìn phân tích, câu chuyện bình thường hoá quan hệ giữa Serbia và Kosovo tiếp tục cho thấy rất nhiều tính toán chính trị mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump

Cách đây 12 năm, ngày 17/2/2008, việc ban lãnh đạo tỉnh Kosovo trực thuộc nước Cộng hòa Serbia đơn phương tuyên bố độc lập, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền trung ương và các quốc gia khác đã gây ra một “cú sốc lớn” đối với vùng Balkan. Với quyết định này, Kosovo trở thành nước thứ sáu tách khỏi Liên bang Nam Tư (trước đây) kể từ năm 1991, sau Slovenia, Croatia, Macedonia, Bosnia và Montenegro.

Và cũng với quyết định này, Kosovo đã trở thành cái tên gây ra nhiều tranh cãi trong quan hệ quốc tế. Cho đến nay cộng đồng quốc tế vẫn tồn tại những bất đồng về việc công nhận vùng lãnh thổ này. Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền. Nga và Trung Quốc đến nay vẫn không công nhận nền độc lập của Kosovo. Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia phương Tây - không chỉ hậu thuẫn, mà từ lâu đã công khai công nhận nền độc lập của Kosovo…, khiến cho các mối quan hệ ở khu vực Balkan luôn trong tình trạng căng thẳng.

Nói vậy để thấy được tính chất phức tạp của vấn đề. 12 năm sau khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập, các chính quyền tiền nhiệm của Serbia trước đây chưa khi nào đồng ý công nhận Kosovo. Mãi cho đến khi chính quyền của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nắm quyền điều hành đất nước, chuyện bình thường hoá quan hệ giữa hai bên mới được nhìn nhận theo một hướng khác. Và chỉ đến khi Serbia đồng ý bình thường hoá - dẫu chỉ là khía cạnh kinh tế với Kosovo tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Serbia-Kosovo vừa diễn ra ở Washington D.C, vai trò trung gian hoà giải của chính quyền Tổng thống Donald Trump mới được tiết lộ công khai. Đối với dư luận quốc tế, đây quả thực là một thông tin bất ngờ- tương tự như cách thức mà thoả thuận bình thường hoá quan hệ giữa Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và Israel được ký kết cách đây 3 tuần. Bởi nếu Trung Đông luôn là mắt xích ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, thì Balkan “chưa từng được quan tâm nhiều tới như vậy” trong chính sách của Mỹ trước đó.

Về phương diện này, có thể thấy rõ chính quyền của Tổng thống Donald Trump Trump đã đi những nước cờ từ rất sớm và khôn ngoan ở Balkan. Theo các nguồn tin từ báo chí Balkan, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tăng cường can dự vào các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo từ cuối năm ngoái với việc bổ nhiệm Đặc phái viên về đàm phán giữa Serbia và Kosovo, và gần như đã gạt bỏ vai trò trung gian hòa giải của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, điều mà người ta nhìn thấy không chỉ là sự can dự của Mỹ mà còn là cách thức Mỹ lèo lái ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia Balkan cũng như tái khẳng định ảnh hưởng của Mỹ ở NATO, sau những sứt mẻ gần đây trong quan hệ Mỹ-NATO.

3 tuần sau thoả thuận bình thường hoá quan hệ giữa các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và Israel, với bản thoả thuận mới giữa Serbia và Kosovo vừa được ký kết, rõ ràng Tổng thống Donald Trump còn muốn gửi một thông điệp nữa đến ứng cử viên đảng Dân chủ ông Joe Biden đó là “ông sẽ còn có rất nhiều vũ khí bí mật sẽ được tung ra” và đảng Dân chủ hãy dè chừng. Cùng với bản thoả thuận bình thường hoá quan hệ kinh tế mới được ký kết, việc Serbia tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán Serbia đến Jerusalem và việc Kosovo và Israel công nhận lẫn nhau chính là những thắng lợi ngoại giao kép mà Tổng thống Trump vừa có được. Cụ thể, bất chấp sự phản đối của Liên minh Châu Âu, Serbia vẫn quyết định “đi theo Mỹ” chuyển Đại sứ quán nước này từ thành phố Tel Aviv của Israel đến Jerusalem. Thậm chí, việc EU đe doạ “sẽ cắt” quy chế gia nhập EU của Serbia nếu như Serbia không tuân thủ lập trường và chính sách đối ngoại của EU, cũng đã không làm EU chùn bước. Những quyết định của Serbia chẳng khác nào bản thông điệp mà ông Trump muốn chuyển tới các cử tri Mỹ rằng “ông là một nhà lãnh đạo có năng lực, rằng ông có thể làm được tất cả cho nước Mỹ”; và rằng dưới sự lãnh đạo của ông “Mỹ là người có khả năng tạo lập hoà bình”. Quan trọng hơn, những bản thoả thuận mới ký kết cho thấy ông Trump có đủ uy tín cũng như sự ủng hộ của các đồng minh quốc tế. Đây là thành quả đối ngoại cần thiết trong bối cảnh nhà lãnh đạo Nhà Trắng đang chịu nhiều áp lực về chính sách đối nội trước thềm bầu cử.

Với những “nước cờ mới” liên tục được tung ra, rõ ràng Tổng thống Donald Trump đang quyết dành lại lợi thế trước đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới rất gần.

Nguyệt Minh

Xem thêm;