Nút thắt Brexit khó hóa giải

(VOH) - Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới Paris để gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để bàn bạc về thỏa thuận đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Đây là cuộc làm việc thứ hai của thủ tướng Anh với các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU trong tuần này nhằm tháo gỡ bế tắc cho thỏa thuận Brexit trước thời điểm Anh rời khỏi khối vào cuối tháng 10. Trước đó, hôm thứ 2, ông Boris Johnson đã gặp Thủ tướng Đức Angela Markel tại Berlin với hy vọng Đức – đầu tàu của EU sẽ nhượng bộ với điều khoản “chốt chặn” trong thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, kết quả hai chuyến thăm này có đem lại điều gì hay không, lại là một câu hỏi còn để ngỏ.

Trong ngày 21/8, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thực hiện chuyến công du châu Âu đầu tiên trên cương vị mới và đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin. Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Đức, ông Boris Johnson tiếp tục nhắc lại yêu cầu của Anh rằng điều khoản “chốt chặn” (backstop) phải được gỡ bỏ hoàn toàn khỏi bản thoả thuận Brexit và nếu EU chấp nhận nhượng bộ, nước Anh sẽ làm mọi cách để đạt được một thoả thuận mới trước ngày 31/10/2019. Nếu không, Anh sẽ rời EU mà không có thoả thuận.

Ảnh minh họa. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh rằng EU sẽ không đàm phán lại bản thoả thuận Brexit mà EU đã đạt được với chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 11/2018. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel nói “nước Đức sẵn sàng làm việc với phía Anh để tìm một “giải pháp thiết thực” cho vấn đề biên giới Bắc Ireland”. Theo bà Merkel, nước Anh có thể có 30 ngày để lên một phương án thay thế cho điều khoản “chốt chặn” và khi đó EU sẽ thảo luận lại.

Trả lời báo giới tại Paris trước đó cùng ngày 21/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bác bỏ đề nghị của ông Johnson về việc đàm phán lại với EU điều khoản “chốt chặn”, nhấn mạnh khối này luôn thể hiện rõ ràng sẽ không đồng ý. Tổng thống Pháp cũng đã nhấn mạnh nước Anh vẫn sẽ phải trả 39 tỷ bảng (tương đương 47 tỷ đô la Mỹ) cho hóa đơn "ly hôn".

Điều khoản "chốt chặn" là đề xuất của EU, đã được Anh và EU đưa vào thỏa thuận Brexit ký kết hồi tháng 11/2018 nhằm tránh khả năng thiết lập một đường biên giới cứng với những điểm kiểm soát hải quan giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland. Tuy nhiên, điều khoản này buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của EU cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận thay thế và là nguyên nhân lớn nhất khiến thỏa thuận Brexit kể trên không được Quốc hội Anh ủng hộ, đẩy tiến trình Brexit vào bế tắc, buộc cựu Thủ tướng Theresa May phải xin gia hạn Brexit tới hai lần trước khi từ chức với hy vọng sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo đất nước sẽ giúp tìm ra hướng tháo gỡ bế tắc. Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiều lần kêu gọi EU loại bỏ điều khoản này, song EU vẫn giữ quan điểm ủng hộ thỏa thuận Brexit hiện tại và từ chối đàm phán lại.

Hiện nay, khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ đến thời hạn chót nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10/2019, giới quan sát ở châu Âu nhận định kịch bản nước Anh thực sự sẽ rời EU vào ngày 31/10 mà không có thoả thuận Brexit đang dần hiện hữu. Trước hết, chính phủ mới của Anh không “mặn mà” với một Brexit có thỏa thuận. Thứ hai, cả Anh và EU đều kiên quyết không nhượng bộ và thỏa hiệp với nhau. Đối với châu Âu, việc mở lại các đàm phán Brexit là bất khả thi bởi lẽ việc đàm phán đã kéo dài hơn 2 năm, vô cùng phức tạp và khó khăn. Mặt khác, EU không muốn tạo ra một tiền lệ xấu nếu nhượng bộ Anh, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của khối.

Ở thời điểm hiện tại, EU đang lo ngại về kịch bản một Brexit không thỏa thuận sẽ làm tổn hại lâu dài đến mối quan hệ chiến lược giữa EU và Anh trong tương lai, bởi xét cho cùng, Anh vẫn là một quốc gia châu Âu với tiềm lực kinh tế, quân sự hàng đầu và có vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Âu.

Tuy nhiên, 2 bên vẫn không thể nhượng bộ nhau vì nhượng bộ có nghĩa là thua trong cuộc chiến đàm phán Brexit. Brexit không thoả thuận sẽ tạo ra một khoảng trống pháp lý rất lớn trong tất cả các lĩnh vực, từ giao thông, y tế cho đến kiểm dịch thực phẩm… nên để đối phó với khoảng trống này, EU đã chuẩn bị sẵn các quy định tạm thời, được gọi là thoả thuận bên lề (side deals) theo đó trong thời gian nước Anh rời EU mà không có thoả thuận thì việc vận hành các trao đổi giữa EU và Anh sẽ vẫn hoạt động. Mặt khác, từng quốc gia thành viên EU cũng đã có sự chuẩn bị riêng cho phương án không mong muốn này. Nước Đức là một ví dụ. Berlin đã ban hành trên 50 luật và quy định nhằm đối phó với Brexit không thoả thuận, trong đó chủ yếu là các điều luật liên quan đến số phận công dân Anh sinh sống tại Đức cũng như các đảm bảo cho công dân Đức sinh sống tại Anh. Với Pháp, chính quyền Pháp đã tuyển thêm nhân viên hải quan, nhân viên kiểm dịch y tế và thực phẩm… nhằm chuẩn bị cho nguy cơ tắc nghẽn hàng hoá ở cửa khẩu Calais tiếp giáp với nước Anh. Pháp cũng đã ra các thông báo và hướng dẫn riêng cho công dân Anh sinh sống tại Pháp cũng như công dân Pháp tại Anh nhằm giúp các công dân này tránh rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp khi Brexit không thoả thuận diễn ra.

 Với hai chuyến thăm Pháp và Đức trong tuần, Thủ tướng Anh Boris Johnson mong muốn có một giải pháp thay thế cho “một Brexit không thỏa thuận”, nhưng câu trả lời của Pháp và Đức đã rõ. EU không muốn có một hiệp định mới mà trong đó không có điều khoản về “chốt chặn”.

Chỉ còn 71 ngày nữa, nước Anh sẽ rời khỏi EU, nhìn vào những gì diễn ra hiện nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson muốn chơi lá bài “được ăn cả, ngã về không” và gia tăng áp lực với EU bằng cách tuyên bố rằng quy chế tự do lưu thông hiện nay giữa Anh và châu Âu sẽ chấm dứt nếu không đạt được thỏa thuận về Brexit, đồng thời thông báo là các nghị sỹ Anh sẽ không tham gia các cuộc họp của EU kể từ ngày 01/09 tới, ngoại trừ các cuộc họp « có liên quan tới lợi ích quốc gia - hồ sơ Brexit”.

Rõ ràng, cuộc chiến Anh-EU trong vấn đề Brexit đang ở vào hồi quyết liệt và chưa rõ ai sẽ giành phần thắng chung cuộc, nếu không muốn nói là cả hai cùng đứng trước “nguy cơ bị thua” khi thời hạn chót 31/10 đang tới rất gần.

Liệu Mỹ có rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới? - Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa lại dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO nếu tình hình không được cải thiện.
Suýt mất mạng vì thói quen xông nhà đón tài lộc ! - Tiềm ẩn trong các vị thuốc xông nhà là chất cực độc mà mới đây các bác sĩ buộc phải lên tiếng cảnh báo.