Phải mạnh tay với doping

(VOH) - Cuối tháng 11 vừa qua, hai vận động viên cử tạ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Ðình Sáng đã bị Liên đoàn Cử tạ thế giới đã đưa ra án phạt cấm thi đấu 4 năm.

Thu Trang từng giành Huy chương Vàng hạng cân 61 kg, còn Đình Sáng từng giành Huy chương Vàng ở hạng cân 45kg ở giải vô địch trẻ thế giới 2019, tuy nhiên 2 gương mặt sáng giá này bị dính doping trong các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên.

Bùi Đình Sáng tại Giải cử tạ trẻ thế giới 2019 (Ảnh: IWF)

Với giới thể thao, cụm từ “doping” thật sự là “bóng ma”, là nỗi ám ảnh, kéo theo rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, ngành thể thao không thể tiếp tuc lơ là, xem nhẹ vấn nạn doping, mà cần phải mạnh tay hơn nữa nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn này, vì một nền thể thao sạch, đẹp, trung thực và cao thượng.

Hồi năm ngoái, hai đô cử từng mang vinh quang cho thể thao Việt Nam là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh, cũng bị cấm thi đấu do dương tính chất cấm. Thêm 2 trường hợp mới nhất, đã có 4 lực sĩ tài năng, những niềm hy vọng của cử tạ Việt Nam tại đấu trường quốc tế phải nhận án cấm thi đấu trong 2 năm qua. Chưa kể một hệ lụy nghiêm trọng khác là cử tạ Việt Nam có nguy cơ bị cấm tham dự Olympic Tokyo vào năm sau.

Cần biết, cử tạ là một trong những môn trọng điểm đầu tư của thể thao Việt Nam, từng mang về nhiều thành tích ở các đấu trường đỉnh cao. Nếu bị cấm thi đấu, những nỗ lực của các vận động viên đỉnh cao khác, nỗ lực của cử tạ Việt Nam hướng đến các Đại hội lớn xem như đổ sông đổ biển.

Đây thực sự là mối lo với thể thao Việt Nam, bởi lẽ nhiều năm qua, đã có không ít trường hợp bị phát hiện dương tính với chất cấm. Có trường hợp vô ý, nhưng cũng có trường hợp cố tình.

Đáng lo ngại là, với thể thao Việt Nam, thực trạng các vận động viên, kể cả ban huấn luyện chỉ tập trung cho việc tập luyện, rồi tập huấn, thi đấu miệt mài, trong khi thiếu kiến thức cần thiết liên quan đến doping lại rất phổ biến. Từ việc sử dụng thuốc chữa chữa bệnh, điều trị chấn thương, chất dinh dưỡng, thậm chí cả việc ăn uống hàng ngày cũng còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức cần có.

Đến khi dính chất cấm, hầu hết đều không hiểu vì sao mình lại vướng. Phản ứng này có thể hiểu, nhưng lại khó cảm thông bởi họ đã lựa chọn theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.

Chính vì thế, vấn nạn về “bóng ma” doping càng thêm đáng lo ngại. Việc vận động viên bị dính doping, xem như sự nghiệp phải dừng lại, mà còn ảnh hưởng rất đến uy tín của nền thể thao nói riêng, uy tín, danh dự của đất nước nói chung.

Đã có nhiều ví dụ, gần nhất là câu chuyện của cường quốc thể thao Nga - là bài học rất đắt giá. Năm 2019, Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) đã ra án phạt cấm thi đấu quốc tế đối với Nga do bê bối doping. Phán quyết này đồng nghĩa với việc Nga không thể góp mặt tại các sự kiện thể thao toàn cầu, kể cả Olympic Tokyo 2020 và World Cup 2022.

Các vận động viên Nga nếu muốn tranh tài ở các giải đấu quốc tế đã ký kết luật phòng chống doping, thì phải thi đấu với tư cách vận động viên trung lập hoặc chứng minh được bản thân trong sạch với doping.

Án phạt nặng với thể thao Nga là bài học phải thuộc đối với thể thao Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.

Hậu quả nghiêm trọng là vậy, nhưng đến giờ thể thao Việt Nam vẫn rất bị động trước vấn đề doping. Việc xây dựng Trung tâm kiểm tra doping và y học thể thao cho thấy ngành thể thao đã ý thức được sự nguy hiểm đến từ việc sử dụng doping. Tuy nhiên, vai trò của đơn vị này thật sự chưa được phát huy, hoạt động rất hạn chế do thiếu kinh phí.

Việc quản lý, kiểm tra doping chỉ mang tính cầm chừng, lỏng lẻo, thậm chí không có. Mọi vấn đề dường như chỉ trông chờ vào ý thức của vận động viên, hoặc ban huấn luyện, trong khi chính bản thân họ cũng không có đầy đủ kiến thức để bảo vệ mình trước nguy cơ dính doping.

Thể thao hướng đến sự trung thực và cao thượng. Vì thế, dính đến doping, gian lận bị lên án rất mạnh mẽ. Đã đến lúc, thể thao Việt Nam cần quyết liệt, mạnh tay hơn nữa với vấn nạn doping.

Với thể thao chuyên nghiệp, dính doping là đều không thể chấp nhận, kể cả vô tình của khó nhận được sự cảm thông. Vì thế, cần mạnh tay, nghiêm khắc xử lý khi phát hiện vi phạm của các vận động viên, ban huấn luyện hay những ai liên qua.

Việc giáo dục, hướng dẫn đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên và những người liên quan tuân thủ quy định phòng chống doping cần được các nhà quản lý thể thao tăng cường, cũng như thường xuyên cập nhật những kiến thức liên quan. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư các cơ sở chuyên môn, hoạt động phát huy hiệu quả, để vận động viên Việt Nam có thể tự tin không doping khi phải kiểm tra ngẫu nhiên, bất kỳ.

Quá trình hội nhập, thể thao Việt Nam đã và đang tiệm cận, thậm chí tranh tài sòng phẳng với các cường quốc thể thao, khu vực, châu lục và thế giới. Năm sau, Việt Nam sẽ là chủ nhà của SEA Games 31. Và còn nhiều đấu trường đỉnh cao khác đang hướng tới. Những nỗ lực vươn tầm của thể thao Việt Nam có thể sẽ bị gặp rào cản lớn, thậm chí đổ sông đổ biển, nếu không quyết liệt với vấn nạn doping.