Phòng chống tác hại của thuốc lá – Vì sự phát triển bền vững của quốc gia

(VOH) - Có hiệu lực từ tháng 5/2013 thế nhưng cho đến nay, sau 4 năm, dường như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá vẫn chưa được thực hiện nghiêm trong đời sống và người dân cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phòng chống tác hại thuốc lá.

Câu chuyện về tác hại thuốc lá luôn được nhắc nhở, cảnh báo từ lâu. Chúng ta đều biết thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Dù chỉ một điếu nhỏ, nhưng trong đó có đến 7.000 chất hóa học, đáng nói hơn Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 40.000 ca tử vong hàng năm do các bệnh liên quan đến việc hút thuốc.

Giới trẻ tuần hành ủng hộ phòng chống tác hại của thuốc lá - Ảnh minh họa.

Hằng ngày, hằng giờ trôi qua, nếu chúng ta có người thân ra đi vì căn bệnh ung thư phổi thì trong đó, ít nhiều khói thuốc lá cũng để lại ám ảnh với nỗi đau tinh thần không nguôi cho người ở lại. Thuốc lá ảnh hưởng và gây ra rất nhiều bệnh tật.

Ngoài ung thư thì hút thuốc lá còn tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, phổi tắc nghẽn mãn tính. Với sức khỏe sinh sản, cả nam giới và phụ nữ hút thuốc cũng sẽ khó có con, vô sinh, thậm chí với phụ nữ sẽ gây sẩy thai tự phát.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trân – Khoa Chẩn đoán trước sinh – Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, thì nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ chết đột ngột sau sinh ở phụ nữ hút thuốc cao gấp 3 lần so với người bình thường.

Hút thuốc lá cũng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới, nhất là ung thư phổi. Theo thống kê của các bệnh viện lớn nước ta cho thấy có đến 90% bệnh nhân ung thư phổi mắc phải nguyên nhân là do hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường khói thuốc lá. Dù nỗ lực điều trị, y học có nhiều tiến bộ nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này và khi vào thời kỳ cuối, người bệnh sống trong sự đau đớn, suy kiệt về thể xác chất lượng cuộc sống suy giảm rất nhiều thậm chí là hầu như không qua khỏi. Một tỷ lệ đáng báo động cho những ai đang hút thuốc lá.

Ai cũng biết thuốc lá nguy hại là thế, thậm chí nhiều người còn biết rất rõ nhưng thiếu quyết tâm cai nghiện đến cùng. Và đáng nói là nước ta đã có hẳn một luật dành riêng phòng chống tác hại thuốc lá trong đó đã nêu ra rất cụ thể những hình thức vi phạm và hình thức xử lí thế nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.

Hằng ngày trôi qua, dạo quanh các bệnh viện, các trường đại học, không khó bắt gặp hình ảnh thân nhân bệnh nhân hay sinh viên phì phèo điếu thuốc. Hút thì vẫn hút nếu phát hiện thì bảo vệ cũng chỉ nhắc nhở, vì tại các bệnh viện chưa có lực lượng chuyên đi kiểm tra, xử phạt người hút thuốc. Theo quy định trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, thanh tra chuyên ngành y tế và ủy ban nhân dân các cấp được trao quyền xử phạt người vi phạm các quy định về hút thuốc lá nhưng lực lượng này còn quá mỏng nên biện pháp chế tài vẫn nằm trên giấy!

Năm nay, với chủ đề “Sử dụng thuốc lá – mối đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia” đã cho thấy, giờ đây câu chuyện tác hại từ thuốc lá, sự tổn thất, gánh nặng về tài chính y tế, hay mức độ ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe, chất lượng giống nòi đã trở thành vấn đề lớn, vươn lên tầm quốc gia. Đã đến lúc, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cần được thực hiện nghiêm, cần có các hình thức xử phạt mang tính răn đe, không phải “đánh trống bỏ dùi”. Cần nhất là mỗi người hãy tự ý thức để thay đổi hành vi, từ bỏ thói quen hút thuốc cũng là để cứu mình khỏi những căn bệnh hiểm nghèo mà đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn màng.